Chiến thuật mồi nhử giúp Ukraine tiêu hao tên lửa triệu USD của Nga
(Dân trí) - Công nghệ làm vũ khí giả của Ukraine ngày càng nâng cấp dường như khiến Nga phải sử dụng các tên lửa đắt tiền trị giá hàng triệu USD một cách lãng phí.
Business Insider đưa tin, các bức ảnh và video về vũ khí giả mà Ukraine đăng tải cho thấy Kiev đang ngày càng nâng cấp cuộc đua sản xuất vũ khí mồi nhử.
Hồi đầu tuần, một đoạn video về hệ thống radar mồi nhử AN/MPQ-64 Sentinel xuất hiện trên mạng internet. Ngoài ra, bức ảnh về hệ thống phòng không tầm trung IRIS-T phiên bản giả cũng được đăng tải.
Theo giới quan sát, những hình ảnh trên cho thấy Ukraine đang sản xuất vũ khí giả nhưng chúng trông rất giống như thật. Mục tiêu của Ukraine là đánh lừa khiến Nga phải tiêu hao các tên lửa trị giá hàng triệu USD để phá hủy một mục tiêu vô giá trị.
Ví dụ, đoạn video cho thấy hệ thống AN/MPQ-64 giả thậm chí có cả một bộ phận không ngừng di chuyển, trông giống như nó đang hoạt động. Nếu nhìn bằng mắt thường từ xa, việc phân biệt vũ khí thật - giả sẽ rất khó.
Trong khi đó, hệ thống IRIS-T SLM giả có một bệ phóng trông như thật có thể nâng lên cao.
Trước đó, truyền thông Nga nói rằng Moscow đã phá hủy một hệ thống IRIS-T ở làng Lisne ở Kharkov. Tuy nhiên, phía truyền thông Ukraine dẫn nguồn tin nói rằng Nga đã đánh nhầm vào vũ khí giả trông như thật bằng tên lửa đạn đạo Iskander.
Trận địa phòng không giả của Ukraine ước tính trị giá 10.000 USD trong khi quả tên lửa Nga phóng ra có giá 3 triệu USD.
Business Insider chưa thể xác minh thông tin từ một phía cung cấp. Tuy nhiên, các hình ảnh trực quan cho thấy, Ukraine đang tăng tốc chiến thuật vũ khí giả nhằm kéo gần khoảng cách hơn với Nga trong cuộc chiến tiêu hao khi Moscow là một đối thủ áp đảo về tiềm lực quân sự.
Trong chiến sự, Nga cũng sử dụng vũ khí giả, nhưng chúng thường là vũ khí bơm hơi và trông không quá giống như thật trong bối cảnh các UAV trinh sát hiện đều có camera có độ phân giải cao.
Ngoài ra, tại một số căn cứ quân sự, Nga cũng sơn hình tiêm kích lên đường băng như mồi nhử để đánh lừa đối phương.
Trong khi đó, Ukraine đã sáng tạo hơn với việc tạo ra các hệ thống pháo phản lực bằng gỗ, bằng ống nước, bằng thùng dầu. Mục tiêu của nỗ lực này là nhằm khiến các vũ khí giả trông thật nhất có thể để đánh lừa đối phương.
Ukraine có thể tạo ra phiên bản mô hình của pháo D-20 của Ukraine, pháo M777 do Mỹ sản xuất, súng cối, radar phòng không và nhiều loại khác. Bất cứ vũ khí nào được triển khai ở Ukraine, công ty thép Metinvest, đơn vị điều hành nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, đều có thể sao chép. Nhờ đó, những mô hình trông "như thật" ra đời để đánh lừa đối phương.
Giới chuyên gia nhận định có một "cuộc chạy đua vũ khí mồi nhử" đang diễn ra ở Ukraine. Những tiến bộ công nghệ đang thúc đẩy Ukraine và Nga làm cho hàng giả trông giống thật nhất có thể để đánh lừa đối phương.