Chiến thuật giúp UAV giá rẻ Ukraine làm xe tăng Nga nổ như "cầu lửa"
(Dân trí) - Hình ảnh từ chiến trường cho thấy chiến thuật của Ukraine nhằm khiến các UAV giá rẻ có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho những thiết giáp trị giá hàng triệu USD của Nga.
Theo Forbes, trước đây, việc phá hủy xe tăng bằng vũ khí chống thiết giáp hạng nhẹ thường cần đến may mắn cũng như kỹ năng. Những người điều khiển UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) phải đối mặt với thách thức tương tự như những người lính bộ binh bắn vũ khí vác vai vào xe tăng.
Việc phá hủy một chiếc xe tăng hạng nặng bằng đầu đạn hạng nhẹ không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Tuy nhiên, hình ảnh ghi lại trên chiến trường cho thấy Ukraine dường như đã tìm ra cách để sử dụng các UAV trị giá vài trăm tới vài nghìn USD để gây thiệt hại nặng nề cho các xe tăng trị giá hàng triệu USD của Nga, đôi khi khiến chúng cháy dữ dội như "cầu lửa".
Theo đó, Ukraine đã phát hiện ra điểm yếu của xe tăng Nga nằm ở phía sau tháp pháo và tìm cách nhằm mục tiêu tấn công.
UAV FPV của Ukraine thường mang đầu đạn chống tăng RPG để thả xuống xe tăng. Một trong những loại phổ biến nhất là PG-7V, lần đầu xuất hiện vào năm 1961.
PG-7V nặng khoảng 1,36kg, nhỏ so với tiêu chuẩn của đạn chống tăng. Ví dụ, đầu đạn của tên lửa NLAW vào khoảng 1,8kg, trong khi đầu đạn Javelin nặng 8,6kg.
Vũ khí chống tăng truyền thống thường sử dụng đầu đạn lớn để tăng cường khả năng xuyên giáp và sát thương phía sau lớp giáp. Nguyên lý sẽ là đầu đạn xuyên sâu vào bên trong rồi phát nổ gây thiệt hại tối đa cho mục tiêu.
Đầu đạn PG-7V cơ bản sẽ xuyên thủng được lớp giáp thép dày khoảng 25,4cm. Con số này nghe có vẻ lớn nhưng T-72 - loại xe tăng phổ biến nhất của Nga - có lớp giáp dày khoảng 38,1 cm ở phía trước tháp pháo và khoảng 50,8cm ở phía trước thân xe. Vì vậy, một loại vũ khí cũ như PG-7V có rất ít khả năng gây sát thương nghiêm trọng trong một cuộc tấn công trực diện.
Phần giáp xe tăng thường sẽ tập trung ở phía trước, nơi đối mặt với hỏa lực đối phương trong một cuộc tấn công. Lớp giáp sẽ mỏng hơn ở 2 bên và phía sau.
Một lính bộ binh chỉ có thể bắn vào phía trước một chiếc xe tăng đang lao tới, nhưng người điều khiển UAV FPV có thể cho chiếc máy bay lảng vảng xung quanh và tìm một góc tấn công tốt hơn. Lớp giáp ở bên thân và phía sau của T-72 dày chưa đến 10cm, đủ mỏng để ngay cả PG-7V cũng có thể xuyên qua.
Tuy nhiên, xuyên qua lớp giáp vẫn chưa đủ, điều quan trọng là đầu đạn sẽ gây thiệt hại lớn như thế nào khi xâm nhập được vào bên trong vũ khí.
Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, UAV mang theo đầu đạn PG-7V chưa thể gây ra thiệt hại đủ lớn cho xe tăng Nga, nhưng điều này đã có sự thay đổi.
Phát hiện điểm yếu
Theo Forbes, Ukraine đã phát hiện ra yếu điểm của xe tăng Nga là nằm ở khu vực chứa đạn. Xe tăng Nga dễ phát nổ dữ dội khi bị tấn công do hệ thống chứa đạn trên xe không được bảo vệ kỹ. Khi điều này xảy ra, tháp pháo thường bị nổ tung khỏi thân xe tăng.
Đây là kết quả của việc Nga sử dụng bộ nạp tự động cho vũ khí chính xe tăng: Thay vì để lính xe tăng lấy và nạp đạn riêng lẻ, đạn được đưa lên nòng tự động. Xe tăng cần ít thành viên tổ lái hơn và có tốc độ bắn cao hơn nhưng dễ bị phá hủy ngay lập tức.
Nắm được điểm yếu này, binh sĩ Ukraine thường điều khiển UAV lao vào khu vực chứa đạn trên xe tăng Nga để kích hoạt một vụ nổ thứ cấp, khiến cho chiếc xe bọc thép nổ tung. Khu vực này chính là phía sau tháp pháo, nơi có giáp mỏng và chứa nhiều đạn dược.
Các diễn biến vừa qua trên chiến trường cho thấy sự nguy hiểm ngày càng gia tăng của UAV trên chiến trường. Xe tăng vẫn được xem là vũ khí quan trọng trong các nỗ lực tấn công và phản công và Nga chắc chắn sẽ có những cải tiến để khắc phục điểm yếu trong tương lai.
Tuy nhiên, sự phát triển của UAV cũng không dừng lại và các chiến thuật mới được cho cũng sẽ xuất hiện, nhất là trên những vũ khí có giá rẻ chỉ vài trăm USD như máy bay không người lái, việc cải tiến và thay đổi sẽ nhanh hơn so với phương tiện bọc thép.