1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chiến thuật âm thầm "dập lửa" giao tranh Israel - Hamas của Mỹ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát nhận định Mỹ dường như cũng đóng một vai trò âm thầm nhưng quan trọng trong việc Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn sau 11 ngày giao tranh rực lửa Dải Gaza.

Chiến thuật âm thầm dập lửa giao tranh Israel - Hamas của Mỹ - 1

Hệ thống "Vòm sắt" của Israel đánh chặn rocket Hamas (Ảnh: Reuters). 

Theo Politico, khi các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tìm cách hạ nhiệt căng thẳng giữa Israel và lực lượng vũ trang Hamas của người Palestine, họ dường như suy nghĩ về 2 con số: 2012 và 2014.

Đây là 2 mốc thời gian mà Hamas và Israel đã nổ ra giao tranh nghiêm trọng trong những năm gần đây. Cuộc chiến năm 2012 khép lại sau 8 ngày với 160 người Palestine và 6 người Israel thiệt mạng. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là người đứng ở trung gian để giúp 2 bên đình chiến. Năm 2014, cuộc giao tranh kéo dài trong 50 ngày, làm hơn 2.200 người Palestine và 70 người Israel thiệt mạng. Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã tham gia vào quá trình kêu gọi 2 phía xuống thang căng thẳng.

Các quan chức trong chính quyền Biden - nhiều người trong số họ đã từng làm việc với bà Clinton hoặc ông Kerry, hoặc cả 2 - hiểu rõ rằng họ không thể ngăn cản Israel tấn công trả đũa khi Hamas dội rocket trước về phía Nhà nước Do Thái hôm 10/5. Phương án họ nghĩ đến là cố gắng tìm cách để giảm thiểu thời gian giao tranh để 2 bên có số thương vong ít nhất có thể - với mục tiêu là ít hơn các sự kiện năm 2012 và 2014.

Ba nguồn thạo tin nói với Politico rằng, chiến thuật mà các quan chức Mỹ sử dụng hầu hết là "đứng sau hậu trường" ở mặt trận ngoại giao. Họ ngăn cản các tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, gồm các lời kêu gọi ngừng bắn, thay vào đó vận động những nước khác trong khu vực, đặc biệt là Ai Cập, làm trung gian cho các thỏa thuận đình chiến.

Chiến thuật âm thầm dập lửa giao tranh Israel - Hamas của Mỹ - 2

Một vụ không kích của Israel vào Gaza (Ảnh: Reuters).

Ngày 20/5, Israel và Hamas đã đồng ý ngừng bắn với Ai Cập là trung gian sau 11 ngày giao tranh quyết liệt. Hơn 230 người Palestine thiệt mạng, trong khi Israel ghi nhận 12 trường hợp tử vong. Dĩ nhiên, đây vẫn chỉ một lệnh ngừng bắn và không có nhiều kỳ vọng sẽ có hiệu lực mãi mãi, nhưng nó đã được đưa ra vào thời điểm cần thiết để ngăn dân thường vô tội phải đổ máu thêm.

"Chúng tôi đã tổ chức các cuộc thảo luận chuyên sâu, cấp cao hàng giờ, theo nghĩa đen (với) Ai Cập, chính quyền Palestine và các quốc gia Trung Đông khác nhằm tìm biện pháp tránh cho xung đột kéo dài như những năm trước", Tổng thống Biden phát biểu hôm 20/5.

Bài học từ sai lầm quá khứ

Chiến thuật âm thầm dập lửa giao tranh Israel - Hamas của Mỹ - 3

Một tòa nhà ở Gaza bị trúng hỏa lực Israel (Ảnh Reuters).

Giới chuyên gia cho rằng, trong lần làm trung gian này, Mỹ đã áp dụng các bài học thu được từ năm 2012, đặc biệt là 2014.

Một trong những điểm chủ chốt trong chiến thuật là Mỹ phải đảm bảo mức độ can dự ngoại giao phù hợp - mạnh mẽ nhưng không ồn ào. Từ kinh nghiệm trong quá khứ, Mỹ nhận ra rằng, việc đẩy Washington lên tiền tuyến hay vào trung tâm cuộc hỗn chiến có thể làm bùng phát căng thẳng và khiến một hoặc cả hai bên sẽ chống lại áp lực từ Mỹ. Vì vậy, các quan chức chính quyền Biden quyết định rằng, mặc dù Mỹ sẽ vẫn can dự, nhưng họ sẽ can dự từ xa và theo góc độ phía sau hậu trường.

Theo Nhà Trắng, các quan chức Mỹ đã thực hiện 80 cuộc gọi tới không chỉ cả phía Israel và Palestine, mà còn các chính phủ trong khu vực như Qatar và Ai Cập. Hai quốc gia này có liên hệ với Hamas, trong khi Mỹ không có liên hệ trực tiếp với nhóm này.

Chiến thuật âm thầm dập lửa giao tranh Israel - Hamas của Mỹ - 4

Những phụ nữ Palestine gào khóc trong đám tang của thân nhân thiệt mạng (Ảnh: Reuters).

Một số cuộc trao đổi đã được thực hiện từ trước ngày 10/5, liên quan tới quan ngại trước đó của Mỹ về tình hình leo thang căng thẳng giữa người Palestine và người Israel tại Jerusalem trước đó. Sau đó, khi giao tranh bùng lên, các quan chức cấp cao Mỹ bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu thực hiện các cuộc gọi tới các bên để xoa dịu tình hình.  

Ông Biden cũng điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ít nhất 6 lần, và áp lực về phía Nhà nước Do Thái dường như tăng lên sau mỗi cuộc gọi, theo các nguồn tin.

Tuy nhiên, Mỹ không gửi quan chức cấp cao tới Israel, mà chỉ gửi Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hady Amr, người có kinh nghiệm về mâu thuẫn giữa Israel và Palestine nhưng không có nhiều quyền lực. Giới quan sát cho rằng, chính quyền Biden dường như không muốn bị coi là nắm quyền kiểm soát các cuộc đàm phán ngừng bắn.

Chiến thuật âm thầm dập lửa giao tranh Israel - Hamas của Mỹ - 5

Một tòa nhà ở Gaza bị san phẳng (Ảnh: Reuters).

Chuyên gia Dennis Ross nhận định, Mỹ đã từng gặp sai lầm vào năm 2014, khi đích thân cựu Ngoại trưởng Kerry trực tiếp tham gia vào việc thiết lập các thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, nhiều thỏa thuận đã lập ra rồi lại đổ vỡ nhanh chóng sau vài giờ, khiến cuộc giao tranh kéo dài tới 50 ngày.

Một vấn đề mà ông Kerry đã gặp phải 7 năm trước, theo ông Ross, là nhà ngoại giao này đã dựa quá nhiều vào Qatar - quốc gia có liên kết khá gần gũi với Hamas. Phía Hamas khi đó nghĩ rằng, họ có thể nhận được nhiều hơn những gì mà Israel thực sự sẵn sàng đưa ra trong các cuộc đàm phán ngừng bắn. Sự xuất hiện của ông Kerry, một quan chức Mỹ hàng đầu, khiến kỳ vọng của Hamas tiếp tục tăng lên. Chính vì vậy, việc đàm phán tưởng chừng dễ hơn khi có mặt các quan chức cấp cao, trên thực tế lại khó hơn.

Âm thầm "dập lửa"

Israel tung video không kích san phẳng các mục tiêu của Hamas

Chính quyền Biden trước đó cũng đã liên tục dùng quyền phủ quyết để chặn các tuyên bố của Hội đồng Bảo an, bao gồm kêu gọi lệnh ngừng bắn. Giới quan sát cho rằng, các quan chức Mỹ nhận định, phía Israel dường như có một quan điểm rằng Liên Hợp Quốc và các cơ quan của tổ chức này có thành kiến với Nhà nước Do Thái, vì vậy, phía Israel sẽ có thể phản ứng một cách không mấy mặn mà với áp lực từ Liên Hợp Quốc.

Theo các nguồn tin, chính quyền Biden hiểu được rằng, việc liên tục chặn các tuyên bố chung có thể sẽ khiến họ bị cáo buộc không muốn tình hình giao tranh sớm xuống thang căng thẳng. Nhưng cuối cùng, Mỹ tin cách họ làm sẽ có thể khiến xung đột kết thúc nhanh hơn và khiến ít dân thường thiệt mạng hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia giờ đây đang đặt ra câu hỏi rằng liệu lệnh ngừng bắn này có thể kéo dài trong bao lâu và chiến lược lâu dài của Mỹ cho căng thẳng giữa người Israel và Palestine sẽ là gì.

Một câu hỏi khác là liệu chính quyền Biden có đặt mâu thuẫn Israel và Palestine vào trọng tâm của chương trình nghị sự những năm tới không. Một thực tế là ông Biden khi nhậm chức đang tập trung ưu tiên vào cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và nỗ lực chống đại dịch Covid-19 và dường như chưa đưa ra chiến lược liên quan tới tình hình Palestine và Israel.

Hiện vẫn chưa thể chắc chắn liệu chính quyền Biden sẽ tổ chức một cuộc đàm phán hòa bình quy mô lớn hơn giữa người Israel và Palestine hay không, nhưng trước mắt, Mỹ có thể phân công các quan chức cấp cao phụ trách vấn đề này.

Một số phương án có thể kể đến là ông Biden nhanh chóng đề cử đại sứ Mỹ tại Israel, mở cửa lại lãnh sự quán để hợp tác với chính quyền Palestine, có trụ sở tại Bờ Tây. Chính quyền tiềm nhiệm của ông Biden đã đóng cơ sở ngoại giao này trước đó, động thái ảnh hưởng tới liên hệ giữa Mỹ và phía Palestine.