Chiến sự Ukraine 14/3: Nga siết gọng kìm, 3.000 lính Kiev có thể bị bao vây
(Dân trí) - Khoảng 3.000 quân Ukraine tại Pervomaisky đang ở thế bị bao vây sau khi Nga siết chặt gọng kìm với 3 hướng tấn công. Tình hình khó khăn khiến Kiev có thể sẽ phải ra lệnh rút lui.
Nga bao vây 3.000 binh sĩ Ukraine?
Kênh Geroman đưa tin, việc Nga kiểm soát thành công Nevelske đồng nghĩa với việc khoảng 3.000 binh sĩ Ukraine đang trấn giữ mặt trận gần Pervomaisky sẽ rơi vào thế bị bao vây trong gọng kìm dọc theo tuyến quy ước Nevelske - Peski - Vodyanoye.
Xét một cách tổng thể, có thể thấy rằng chiến dịch tấn công Donetsk đang phát triển theo đúng kế hoạch của Moscow. Theo đó, trong 6 tháng chiến đấu, Ukraine đã tổn thất khoảng 70.000 binh sĩ ở mặt trận này và Nga tiếp tục tận dụng lợi thế để mở một cuộc tấn công lớn có tính quyết định vào phòng tuyến Kurakhovo - Pokrovskoye.
Cách đây ít giờ, lực lượng Moscow chiếm giữ các khu rừng dọc theo tuyến Severnoe - Pervomayskoe - Nevelske.
Trong thời gian tới, rất có thể Pervomayskoe sẽ sụp đổ, tiếp đến là Krasnogorovka và sau đó là chuỗi cứ điểm Novomikhailovka - Parakovievka - Konstantinovka.
Dự kiến ngay sau khi đánh bại lực lượng Kiev gần Donetsk, cuộc tấn công lớn của Moscow ở Zaporizhia sẽ bắt đầu theo ba hướng. Công tác chuẩn bị - trước hết là các trận đánh cục bộ để giành những vị trí thuận lợi hơn cho cuộc tấn công - đã và đang được Nga tiến hành.
Nhìn chung, sự suy yếu, thậm chí là thất bại của Ukraine tại Donetsk sẽ có tầm quan trọng tương đương với Trận Vòng cung Kursk.
Chuyên gia quốc phòng Thụy Điển Mikael Valtersson nhận định, theo Bộ Quốc phòng Nga, khu định cư Nevelske đã được kiểm soát. Dù chưa có bằng chứng hình ảnh nào, nhưng rõ ràng họ không đưa ra những tuyên bố này một cách nhẹ nhàng. Bộ Quốc phòng Nga thường đợi cho tới khi họ chắc chắn 200% về sự thật.
Điều đó có nghĩa là Nga đã chặt đứt kết nối liền mạch trong tuyến phòng thủ Ukraine giữa Krasnohorivka và Pervomaiske.
Các cuộc tấn công vào phía sau tuyến phòng thủ chính của Ukraine có thể đe dọa cả Krasnohorivka và Pervomaiske với ít nhất là sự bao vây. Kết hợp với những bước tiến liên tục ở phía tây Marinka và tây nam từ Tonenke mới chiếm được, Nga có thể đánh sập toàn bộ phần tiền tuyến trong khu vực.
Điều này sẽ buộc lực lượng Kiev phải rút lui khỏi các công sự vững chắc ở tiền tiêu về tuyến phòng thủ chính thứ hai dọc theo các cao điểm về phía tây sông Vovcha, từ Kurakhove ở phía nam qua Karlivka tới Vovcha ở phía bắc.
Nga chiếm một mảng lớn ở tây bắc Marinka
Kênh Rybar đưa tin, Nga tiếp tục đẩy mạnh gần Heorhiivka ở phía tây Donetsk nhằm mở rộng vùng kiểm soát và chiếm các vị trí thuận lợi hơn về mặt chiến thuật để tạo điều kiện cho các cuộc tấn công tiếp theo vào khu định cư.
Trong ngày qua, lực lượng Moscow đã kiểm soát được một khu vực khá lớn tây bắc thành phố Marinka.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine: Nga 2 lần tấn công tả ngạn sông Dnieper
Ukrainska Pravda đưa tin, báo cáo tối 13/3 của Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết, trong 24 giờ qua, 70 cuộc đụng độ đã diễn ra ở mặt trận. Tổng cộng, đối phương đã phóng 2 tên lửa, thực hiện 68 đợt không kích và 37 đợt tấn công bằng pháo - tên lửa phóng loạt.
Báo cáo có đoạn: "Trong ngày, máy bay Ukraine tấn công 7 khu vực tập trung nhân lực - vũ khí trang bị và phá hủy 1 tên lửa Kh-31 của Nga. Các đơn vị tên lửa tập kích 1 khu tập trung binh lực đối phương".
Bộ Tổng tham mưu Ukraine khẳng định đã đẩy lùi các đợt tấn công trên hướng Kupyansk, Liman, Bakhmut, Avdiivka, Novopavlovsk (Marinka), Orekhov (Zaporizhia). Tại Kherson, đối phương không từ bỏ ý định xóa sổ đầu cầu tả ngạn sông Dnieper khi tiến hành 2 đợt tấn công nhưng bất thành, báo cáo viết.
Thủ tướng Phần Lan: Nga đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài với phương Tây
European Pravda đưa tin, Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo trong bài phát biểu tại Nghị viện châu Âu đã cảnh báo nguy cơ tiềm tàng bị Nga tấn công trong những năm tới và kêu gọi các quốc gia châu Âu đoàn kết để ngăn chặn điều này.
Theo ông Orpo, Nga "rõ ràng đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột lâu dài với phương Tây và đặt ra mối đe dọa quân sự thường trực và hiện hữu đối với châu Âu".
Thủ tướng Phần Lan nói với các đại biểu châu Âu: "Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo nếu Nga đạt được thành công (ở Ukraine)".
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng khả năng quân sự của Nga còn hạn chế và mỗi euro hỗ trợ Ukraine là "cái giá thấp so với chi phí cơ hội nếu Nga thắng".
Ông Orpo nói thêm rằng, mặc dù Nga không phải là "bất khả chiến bại" nhưng đối với châu Âu "sự tự mãn không còn là một lựa chọn" và nước này phải tăng cường khả năng phòng thủ cũng như an ninh biên giới.
"Chúng ta có thể vượt qua thử thách này nếu tập hợp các nguồn lực của mình. Chúng tôi có khả năng tài chính, bây giờ chúng tôi cần thể hiện ý chí chính trị của mình", Thủ tướng Phần Lan nói thêm.
Một số nước NATO ở châu Âu trong những tuần gần đây đã cảnh báo về nguy cơ Nga gây hấn trong thời gian tới. Ví dụ, Cơ quan Tình báo Đối ngoại Estonia tin rằng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu bằng vũ lực với phương Tây trong thập kỷ tới.
Đồng thời, tình báo Mỹ tin rằng Nga gần như chắc chắn không muốn xảy ra xung đột quân sự trực tiếp với NATO và sẽ tự giới hạn mình ở "các biện pháp bất đối xứng".
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ với nhà báo Mỹ Tucker Carlson, Tổng thống Vladimir Putin nói Nga không có ý định tấn công các quốc gia thành viên NATO và sẽ chỉ trả đũa nếu bị tấn công trước.
Moscow đã nhiều lần cho rằng việc NATO tiếp tục mở rộng về phía đông và sự hỗ trợ của nước này dành cho Kiev là một trong những nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine. Các quan chức Nga cũng cảnh báo rằng việc chuyển giao vũ khí và các thiết bị quân sự khác cho Ukraine chỉ dẫn đến leo thang căng thẳng hơn nữa.
Bộ Quốc phòng Ukraine: Chưa thể thỏa mãn ngay 500.000 lính động viên
Financial Times đưa tin, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, 400-500 nghìn binh sĩ được động viên là ước tính chung có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của chiến trường, không thể đáp ứng ngay được.
Bộ này cho biết: "Chiến dịch động viên mới bắt đầu và cho đến nay chỉ tuyển dụng cho một số chuyên ngành hạn chế, đã chứng minh rằng không có sự hiểu lầm chung. Có hơn 90.000 đơn đăng ký cho gần 8.000 vị trí đang cần".
"Về số lượng huy động. Chúng tôi xin lưu ý ngay rằng vì lý do an ninh, chúng tôi không thể bình luận về số lượng người chính xác cần tuyển dụng vào Lực lượng Phòng vệ... Đồng thời, 400-500 nghìn là ước tính chung tùy thuộc vào diễn biến của các sự kiện trong khu vực hoạt động và không thể đáp ứng ngay được", Bộ cho biết.
EU phê duyệt 5,5 tỷ USD cho quỹ quốc phòng Ukraine năm 2024
Kyiv Independent đưa tin, ngày 13/3, Bỉ - Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) - tuyên bố các nước thuộc khối này đã đồng ý cấp 5 tỷ euro viện trợ quốc phòng cho Ukraine, một phần trong kế hoạch cải tổ quỹ viện trợ do EU điều hành.
EPF là công cụ quan trọng để hỗ trợ khả năng phòng thủ của Ukraine kể từ năm 2022 nhưng phần lớn đã cạn kiệt do các quốc gia thành viên không đồng ý về cách tốt nhất để bổ sung và huy động thêm tiền cho Ukraine.
Tổng thống Bỉ cho biết trên mạng xã hội: "(Liên minh châu Âu) vẫn quyết tâm hỗ trợ lâu dài cho (Ukraine) và đảm bảo rằng nước này có được các vũ khí trang bị cần thiết để tự vệ".
Nguồn cung cấp vũ khí nước ngoài hiện rất quan trọng đối với Ukraine vì sự hỗ trợ từ Mỹ, một nhà tài trợ quan trọng, đã bị đình trệ trong nhiều tháng do tranh cãi chính trị nội bộ.
Lãnh đạo Đức, Pháp gặp nhau ở Berlin để giảm bớt căng thẳng về Ukraine
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào ngày 15/3 để "giảm bớt căng thẳng" giữa Paris và Berlin về vấn đề Ukraine, Politico đưa tin hôm 13/3, dẫn lời các quan chức cấp cao của Đức và Pháp.
Nhận xét gần đây của ông Macron rằng việc gửi lực lượng phương Tây đến Ukraine không thể bị "loại trừ" đã làm dấy lên sự bất đồng công khai giữa hai nhà lãnh đạo, và Thủ tướng Scholz trả lời rằng sẽ "không có binh sĩ từ các nước châu Âu hoặc NATO" ở Ukraine.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk dự kiến sẽ tham gia cuộc họp ở Berlin vào cuối ngày và các cuộc đàm phán sẽ tập trung nhiều vào việc thể hiện sự đoàn kết hơn là đưa ra các thỏa thuận cụ thể.
Đây sẽ là cuộc đối thoại đầu tiên theo hình thức này giữa ba nước kể từ khi ông Tusk trở thành thủ tướng Ba Lan vào tháng 12 năm ngoái.
Theo Politico, các quan chức Đức chỉ ra rằng trong khi ông Macron đưa ra những tuyên bố công khai cứng rắn hơn Thủ tướng Scholz, Đức vẫn là nước tài trợ quân sự lớn thứ 2 cho Ukraine trên thế giới.
Pháp phản bác rằng, "họ đã cung cấp những loại vũ khí thực sự quan trọng", ám chỉ thực tế là Paris đã chuyển giao tên lửa hành trình SCALP tầm xa trong khi Berlin từ chối gửi tên lửa Taurus cho Kiev.
Ông Scholz tuyên bố, tên lửa Taurus yêu cầu nhân viên Đức phải có mặt trên mặt đất (ở Ukraine) để vận hành hệ thống kiểm soát mục tiêu của tên lửa và do đó coi việc chuyển tên lửa Taurus cho Kiev là một động thái có thể lôi kéo Đức vào cuộc chiến với Nga.
Đạn pháo mua từ bên ngoài châu Âu sẽ đến Ukraine vào tháng 6
Reuters đưa tin, một quan chức cấp cao của Cộng hòa Séc hôm 13/3 cho biết, lô đạn pháo đầu tiên theo kế hoạch do Séc dẫn đầu nhằm tăng cường nguồn cung bằng cách mua từ bên ngoài châu Âu sẽ đến Ukraine muộn nhất vào tháng 6.
Cố vấn an ninh quốc gia Tomas Pojar nói: "Những đợt giao hàng đầu tiên từ "sáng kiến đạn dược của Séc" dự kiến có thể được diễn ra ở Ukraine muộn nhất là vào tháng 6".