Chiến sự Nga - Ukraine rút cạn kho vũ khí châu Âu
(Dân trí) - Đại diện nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Đức cảnh báo châu Âu đã cạn vũ khí sau khi viện trợ cho Ukraine trong gần 3 năm chiến sự với Nga.

Armin Papperger, Giám đốc điều hành tập đoàn sản xuất vũ khí Đức Rheinmetall (Ảnh: Reuters).
Liên minh châu Âu (EU) đã cạn kiệt kho vũ khí do xung đột ở Ukraine, khiến họ trở nên dễ tổn thương trước mối đe dọa tiềm tàng từ Nga, theo tuyên bố của Armin Papperger, Giám đốc điều hành tập đoàn sản xuất vũ khí hàng đầu của Đức, Rheinmetall.
Lời cảnh báo của ông được đưa ra trong bối cảnh Mỹ - Nga nỗ lực tái khởi động đối thoại với cuộc gặp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu diễn ra vào ngày 18/2.
Ông Papperger - người đứng đầu một trong những công ty phương Tây quan trọng cung cấp thiết bị quân sự cho Kiev - dự báo nhu cầu vũ khí trong khu vực vẫn sẽ ở mức cao, ngay cả khi các cuộc đàm phán hòa bình dẫn đến một lệnh ngừng bắn giữa Ukraine và Nga.
Đồng thời, ông cũng lưu ý rằng "người châu Âu và Ukraine không còn gì trong kho của họ", ám chỉ tình trạng thiếu hụt vũ khí nghiêm trọng của Ukraine và các đồng minh NATO trong khu vực.
Giám đốc Rheinmetall tiếp tục cảnh báo rằng "ngay cả khi chiến tranh ở Ukraine kết thúc, nếu chúng ta nghĩ rằng tương lai sẽ rất hòa bình, tôi cho rằng đó là một nhận định sai lầm".
Bất chấp việc chi tiêu quốc phòng của EU đã tăng hơn 30% trong giai đoạn 2021-2024, ông Papperger lập luận rằng con số này vẫn chưa đủ để đối phó với các thách thức an ninh hiện tại. Ông khẳng định công ty của mình vẫn sẽ hưởng lợi ngay cả khi có lệnh ngừng bắn, vì EU sẽ tiếp tục đầu tư vào vũ khí nhằm đối phó với mối đe dọa từ Nga.
Ông Papperger chỉ trích các quốc gia EU vì đã không đầu tư đủ vào quốc phòng trong nhiều thập niên, và cho rằng đó là lý do họ bị loại khỏi cuộc đàm phán tại Riyadh, Ả rập Xê út.
Cả Ukraine lẫn các đồng minh NATO châu Âu của Mỹ đều không được mời tham gia cuộc gặp Nga - Mỹ, nơi hai bên đã nhất trí khởi động quá trình giải quyết xung đột.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần trước tuyên bố rằng nếu không có đảm bảo an ninh từ NATO, Ukraine sẽ cần mở rộng quân đội lên 1,5 triệu binh sĩ, đồng thời ngân sách quân sự sẽ phải tăng thêm 50% để duy trì lực lượng này.
Ông Zelensky nói rằng, nếu Ukraine không thể vào NATO, họ sẽ tự tạo ra NATO trên lãnh thổ và kêu gọi các đồng minh phương Tây cấp vốn và vũ khí để thực hiện mục tiêu tham vọng này.
Ông Papperger nói rằng ông kỳ vọng doanh thu hàng năm của công ty sẽ đạt 30-40 tỷ euro (32-43 tỷ USD) trong vòng năm năm tới, một sự tăng trưởng mạnh so với mức 6 tỷ USD vào năm 2021, trước khi xung đột Ukraine leo thang.
Gã khổng lồ quốc phòng Đức trước đó đã tuyên bố rằng cuộc xung đột đã "cải thiện đáng kể hiệu suất kinh doanh" của họ.
Moscow nhiều lần lên án việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng hành động này chỉ kéo dài cuộc xung đột mà không thay đổi kết quả cuối cùng, đồng thời làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.