Phương Tây thất hứa, đẩy Ukraine vào thế bất lợi trong đàm phán với Nga?
(Dân trí) - Những lời hứa giúp Ukraine gia nhập NATO có thể là động lực khiến Kiev quyết tâm giao tranh với Nga và bác bỏ bất kỳ thỏa hiệp nào trong một cuộc xung đột mà họ khó giành chiến thắng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) ngày 12/2 (Ảnh: AFP).
Mỹ có "phản bội" Ukraine?
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine trong vòng 24h sau khi nhậm chức, như ông từng cam kết trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng 3 tuần ông Trump quay trở lại Nhà Trắng, mọi thứ đã diễn ra theo hướng đó với tốc độ chóng mặt.
Ngày 12/2, ông Trump gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin rồi sau đó đăng trên mạng xã hội Truth Social rằng hai nhà lãnh đạo đã đồng ý hợp tác để ngăn chặn "hàng triệu người thiệt mạng" trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tiếp đến là thông báo về một hội nghị thượng đỉnh có thể diễn ra giữa hai bên tại Ả rập Xê út.
Ngày 13/2, trong bài phát biểu tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth công bố một số chi tiết cụ thể về đề xuất của Mỹ nhằm chấm dứt xung đột.
Trái ngược hoàn toàn với quan điểm của chính quyền Mỹ tiền nhiệm, ông Hegseth tuyên bố, Ukraine đừng hy vọng khôi phục toàn bộ chủ quyền lãnh thổ của mình và tư cách thành viên NATO của nước này nên loại khỏi bàn đàm phán.
Một số cơ quan truyền thông phương Tây đã lên tiếng rằng "Ukraine bị phản bội" sau tuyên bố của ông Trump và ông Hegseth.
Chính quyền Trump 2.0 có thực sự đang từ bỏ Kiev hay đây chỉ là kết cục tất yếu trong cách tiếp cận của phương Tây đối với Ukraine?
Ông Trump có thể không phải là người chịu trách nhiệm cho việc này. Ukraine đã "bị phản bội" bởi những lời hứa sẽ giúp nước này gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU). Chính vì những cam kết đó nên Kiev quyết tâm chiến đấu với Nga và bác bỏ bất kỳ sự thỏa hiệp nào trong một cuộc chiến mà họ không thể giành chiến thắng.
Phương Tây không đáp ứng đủ các đề nghị của Ukraine
Trong 3 năm qua, phương Tây đã đạt đến giới hạn về những gì họ có thể làm được trong việc cung cấp vũ khí cũng như áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga. Họ bị kiềm chế bởi lo ngại, nếu quá đà, sẽ gây ra Thế chiến thứ III hoặc đem đến những thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế thế giới.
Tiếp tục đà viện trợ tốn kém này lâu hơn sẽ không thay đổi được thực tế rằng Nga là một nước hùng mạnh hơn và giàu có hơn Ukraine. Moscow có thể duy trì một đội quân đã thích nghi với chiến tranh hiện đại và không thể bị đánh bại bởi số lượng lớn công nghệ quân sự tiên tiến của phương Tây.
Trên hết, Moscow sẽ luôn có tiếng nói cuối cùng trong bất kỳ cuộc chiến tranh khu vực nào với tư cách là một cường quốc hạt nhân - một yếu tố hạn chế sự tham gia của phương Tây vào cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (thứ 2 từ trái sang) tham dự cuộc họp với Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) tại Kiev ngày 10/2 (Ảnh: AFP).
Trong khi đó, mặc dù có những ý kiến giận dữ phản đối những ngày gần đây, nhưng các đối tác châu Âu của Ukraine dường như bắt đầu đồng tình với Mỹ về tư cách thành viên NATO của Ukraine.
Ngày 14/2, Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết, chưa bao giờ có sự đảm bảo rằng Ukraine sẽ gia nhập liên minh quân sự này như một phần của thỏa thuận hòa bình với Nga.
Tuyên bố trên mâu thuẫn với chính một số cam kết mà ông Rutte đưa ra trước đó. Hồi tháng 12/2024, ông Rutte khi mới được bổ nhiệm đã phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng "con đường trở thành thành viên của Ukraine là không thể đảo ngược" và rằng nước này "gần với NATO hơn bao giờ hết".
Để đáp lại yêu cầu của Ukraine về các đảm bảo an ninh từ phương Tây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth đã đề cập đến khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu và không phải châu Âu đến giám sát và thực thi lệnh ngừng bắn.
Ông Hegseth đã loại trừ khả năng triển khai quân đội Mỹ và cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình từ các nước NATO đến Ukraine sẽ không được bảo vệ theo Điều 5 về phòng thủ tập thể, văn bản pháp lý cho phép NATO đáp trả đối thủ nếu bất cứ thành viên nào bị tấn công.
Đề xuất của ông Hegseth khó có thể trấn an người dân Ukraine. Tổng thống Zelensky đã nhiều lần nhấn mạnh các đảm bảo an ninh của phương Tây sẽ chẳng có giá trị gì nếu không có sự tham gia của Mỹ.
Đồng thời, Điện Kremlin có thể sẽ coi bất kỳ binh lính NATO nào trên lãnh thổ Ukraine là "con ngựa thành Troy". Vì vậy, ý tưởng này khó có thể thành công khi các cuộc đàm phán hòa bình đang bắt đầu thực sự diễn ra.
Trong khi đó, quân đội châu Âu không thuộc NATO không phải là vấn đề đối với Moscow. Các quốc gia châu Âu không phải thành viên NATO như Áo và Serbia có thể chỉ cung cấp một vài nghìn quân. Các lực lượng chính, nếu có, sẽ phải đến từ Nam bán cầu.
Trái ngược với nhiều dự đoán của phương Tây rằng nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ dưới áp lực chiến tranh, Moscow đã xoay xở để đối phó tương đối tốt trong suốt cuộc xung đột này.
Nền kinh tế của Nga vẫn trụ vững nhờ chi tiêu lớn cho quốc phòng, và không giống như Ukraine, người dân Nga đã được che chắn hiệu quả, không để chiến tranh trở thành yếu tố tác động chính đến đời sống của họ.
Những lựa chọn khác còn lại của Ukraine đều ảm đạm. Điều này thể hiện rõ trong bài phát biểu của ông Zelensky tại Hội nghị An ninh Munich, được đánh giá là thể hiện sự ngoan cường nhưng lại "có mùi tuyệt vọng".
Ông Zelensky quay sang EU với đề xuất quân đội Ukraine trở thành nòng cốt của một lực lượng quân sự châu Âu mới. Điều này khó có thể thành công vì nó đưa EU vào cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.
Tổng thống Zelensky cũng đã cố gắng thu hút sự chú ý của ông Trump vào nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine nhưng chỉ để nhận về yêu cầu đòi Kiev trả lại cho Mỹ 500 tỷ USD bằng đất hiếm.