1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chỉ huy nhóm vũ trang thân Ukraine: Nga sẵn sàng chiến đấu thêm 10 năm nữa

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một chỉ huy Quân đoàn Tình nguyện Nga, nhóm vũ trang đối lập với Điện Kremlin và chịu sự chỉ đạo của Ukraine, tin rằng Moscow sẵn sàng chiến đấu ở nước láng giềng thêm 10 năm nữa.

Chỉ huy nhóm vũ trang thân Ukraine: Nga sẵn sàng chiến đấu thêm 10 năm nữa - 1

Binh sĩ Nga tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (Ảnh: Reuters).

Trưởng ban tham mưu của Quân đoàn Tình nguyện Nga, Oleksandr Fortuna, tin rằng Nga sẵn sàng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ít nhất thêm một thập kỷ nữa. Theo ông, Moscow dường như không quan tâm đến cái giá phải trả để kéo dài cuộc chiến.

Quân đoàn Tình nguyện Nga là nhóm vũ trang bao gồm người Nga có quan điểm chống lại Điện Kremlin, và tác chiến dưới sự lãnh đạo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine.

"Tôi tin rằng với tình hình hiện tại, họ có thể tiếp tục chiến đấu trong nhiều năm, ít nhất là mười năm", Oleksandr Fortuna nói.

Fortuna chỉ ra rằng, 3 năm trước khi chiến sự nổ ra, nhiều người Nga không hiểu mục đích của cuộc chiến, nhưng tới nay nhiều người đã bày tỏ quan điểm ủng hộ chiến dịch quân sự của Moscow ở nước láng giềng.

Vào tháng 7/2023, Tòa án Tối cao Nga đã chính thức tuyên bố Quân đoàn Tình nguyện Nga (RVC) là một tổ chức khủng bố và ban hành lệnh cấm hoạt động tại Nga.

Trước đó, vào tháng 3/2023, RVC đã thực hiện các cuộc tấn công vào khu vực Bryansk của Nga, khiến chính quyền Nga cáo buộc nhóm này liên quan đến các hành động khủng bố.

Ngoài RVC, Nga cũng liệt Binh đoàn Tự do Nga vào danh sách các tổ chức khủng bố, vì nhóm này cũng chiến đấu chống lại quân đội Nga dưới sự lãnh đạo của phía Ukraine.

Cuối tháng trước, Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Nga Rodion Miroshnik tuyên bố các cuộc đàm phán tiềm năng với Ukraine nên được coi là giai đoạn cuối cùng của "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm thực hiện tất cả các nhiệm vụ do Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt ra.

Ông nhấn mạnh "việc ký kết một số văn bản với Ukraine sẽ chính thức hóa các thỏa thuận đã đạt được".

Trước đó, Tổng thống Nga Putin tuyên bố, Moscow có thể đàm phán hòa bình với Kiev, nhưng loại trừ khả năng thảo luận trực tiếp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vì nhà lãnh đạo Ukraine đã hết nhiệm kỳ.

"Nếu có mong muốn đàm phán và tìm ra con đường thỏa hiệp, hãy để một người khác dẫn dắt cuộc đàm phán. Tất nhiên, chúng tôi sẽ đấu tranh vì những gì phù hợp với chúng tôi, những gì phù hợp với lợi ích của chúng tôi", ông nêu rõ.

Hồi tháng 6 năm ngoái, ông Putin đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.

Đề xuất này gồm Ukraine phải công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với bán đảo Crimea và 4 tỉnh (Kherson, Zaporizhia, Lugansk, Donetsk), Ukraine phải duy trì tình trạng không liên kết, phi hạt nhân hóa, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa, cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông Putin cũng kêu gọi Ukraine duy trì tình trạng trung lập, không gia nhập NATO.

Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ sáng kiến này. Tổng thống Zelensky mô tả đề xuất của Moscow là "tối hậu thư". Chính vì những bất đồng trong điều kiện tiên quyết để đàm phán khép lại xung đột mà tới nay 2 bên vẫn chưa thể khởi động lại quá trình thương lượng để chấm dứt xung đột. 

Theo Euromaidan Press
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine