1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Châu Âu lo "bóng ma" khủng hoảng tị nạn khi chính phủ Afghanistan sụp đổ

Thanh Thành

(Dân trí) - Các nhà lãnh đạo châu Âu đã kêu gọi xây dựng một kế hoạch đối phó với dòng người tị nạn từ Afghanistan, trong đó các chuyên gia cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ là nhân tố quan trọng.

Châu Âu lo bóng ma khủng hoảng tị nạn khi chính phủ Afghanistan sụp đổ - 1

Người dân chờ di tản tại sân bay Hamid Karzai tại Kabul, Afghanistan ngày 19/8 (Ảnh: Reuters).

Tình hình đã trở nên hỗn loạn tại Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền kiểm soát hầu hết đất nước và sự tháo chạy của Tổng thống Ashraf Ghani sau khi quân đội Mỹ và đồng minh rút quân.

Cảnh tượng hỗn loạn hôm 16/8 lên đến đỉnh điểm khi hình ảnh những người dân Afghanistan cố gắng bám vào càng máy bay của quân đội Mỹ trong lúc máy bay cất cánh, trong một nỗ lực tuyệt vọng để thoát khỏi Taliban.

Khi xung đột quân sự ở một số khu vực của đất nước và hiện nay là sự thay đổi chế độ, hai nền kinh tế lớn nhất của EU là Pháp và Đức đã nêu viễn cảnh đáng lo ngại: dòng người tị nạn sẽ tràn vào châu Âu.

"Chúng ta phải lường trước và tự bảo vệ mình trước những dòng người di cư quy mô lớn bất thường", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong cuộc họp ngày 16/8, đồng thời cam kết nỗ lực hướng tới một "phản ứng mạnh mẽ, phối hợp và thống nhất" với các quốc gia châu Âu khác.

Đức cũng có động thái tương tự. Ông Armin Laschet, người đứng đầu Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và được coi là ứng viên tiềm năng thay thế Thủ tướng Angela Merkel, nhấn mạnh: "Không nên để lặp lại 'bóng ma' năm 2015".

EU đã đối mặt cuộc khủng hoảng tị nạn quy mô lớn vào năm 2015 và 2016, do cuộc xung đột ở Syria. Ước tính, hơn 1,2 triệu người Syria đã xin tị nạn tại EU vào năm 2015.

Đức đứng đầu các quốc gia thu nhận số người tị nạn kỷ lục. Di sản của bà Merkel trước khi rời nhiệm sở sau cuộc bầu cử vào tháng 9 tới là quyết định mở cửa biên giới cho người tị nạn Syria hồi năm 2015. Quyết định này sau đó làm bùng lên làn sóng chống nhập cư ở nước này và gây rạn nứt trong đảng CDU của "bà đầm thép".

Pháp sẽ tổ chức một cuộc bầu cử vào tháng 4/2022. Các dự đoán cho thấy, Tổng thống Macron có khả năng đối đầu với lãnh đạo của đảng chống nhập cư, Marine Le Pen, trong vòng hai của cuộc bầu cử.

Kịch bản năm 2015 có thể lặp lại

Giới chức EU rất lo ngại về nguy cơ lặp lại cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015. Nhiều người đã thiệt mạng khi cố gắng vượt biển nguy hiểm và chính cuộc khủng hoảng này gây chia rẽ các nước trong EU.

Một nhóm các quốc gia EU sẵn sàng tiếp nhận và hòa nhập những người tị nạn đang cố gắng thoát khỏi chiến tranh. Các quốc gia khác, chẳng hạn như Hungary, luôn thận trọng hơn.

Carsten Nickel, phó Giám đốc nghiên cứu của công ty tư vấn Teneo, cho rằng kịch bản này có nguy cơ lặp lại khi chính quyền Afghanistan sụp đổ.

Tuy nhiên, ông Nickel tin rằng có thể có một giải pháp giữa một nhóm nhỏ các quốc gia EU, thay vì toàn bộ 27 quốc gia.

Các quốc gia Nam Âu như Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha, Malta và Síp được cho là đã yêu cầu thảo luận về những tác động sau những diễn biến ở Afghanistan tại một cuộc họp cấp EU hôm 18/8.

Bộ trưởng Di cư Hy Lạp Notis Mitarachi ngày 17/8 cho biết, đất nước của ông "sẽ không và không thể" trở thành cửa ngõ cho những người di cư và tị nạn đang cố gắng tiếp cận EU, và kêu gọi một giải pháp cho toàn bộ châu Âu.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong giải pháp của EU đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015 là việc ký kết một thỏa thuận trị giá 6 tỷ euro cho Thổ Nhĩ Kỳ để nước này sau đó sẽ cung cấp nơi ở, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho người tị nạn, do đó thúc đẩy dòng người sang phần còn lại của châu Âu.

Bà Shamaila Khan, Giám đốc phụ trách các chiến lược nợ thị trường mới nổi tại quỹ đầu tư AllianceBernstein, nói với CNBC rằng Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng sẽ có thể tiếp tục đóng vai trò tương tự như vậy.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, đây sẽ là một thách thức lớn vì Ankara dường như chưa chuẩn bị đầy đủ để làm điều đó.

Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có dân số tị nạn lớn nhất thế giới với 4 triệu người, cũng đang chứng kiến sự chia rẽ gay gắt về vấn đề người nhập cư.