1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Catalonia muốn tách khỏi Tây Ban Nha: Lối mở bất ngờ

Chủ tịch EU dạm trước kịch bản tương lai huy hoàng cho Catalonia nếu được ly khai khỏi Tây Ban Nha.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker mới đây đã đưa ra một kịch bản tương lai khó có thể hấp dẫn hơn đối với vùng đang đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha là Catalonia.

Trong cuộc phỏng vấn phát sóng bởi dịch vụ video của Ủy ban châu Âu, ông Juncker cho rằng, vùng Catalonia có thể sẽ được gia nhập vào Liên minh châu Âu (EU).


Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.

"Nếu Catalonia giành độc lập một ngày nào đó, chúng tôi sẽ tôn trọng sự lựa chọn này" - ông Juncker nói.

Nhưng đó không phải là chuyện nay mai khi vùng này vẫn chưa được phép ly khai khỏi Tây Ban Nha.

"Catalonia sẽ không thể trở thành thành viên của EU vào ngày hôm sau cuộc trưng cầu dân ý. Catalonia sẽ phải trải qua quá trình gia nhập, giống như các quốc gia đã liên kết cùng chúng tôi sau năm 2004" — ông Juncker tuyên bố.

Ông Juncker cũng cho hay, bất kỳ Nhà nước độc lập nào cũng phải tuân theo các thủ tục để trở thành thành viên của EU như Scotland hay quê hương của ông - Luxembourg.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng khẳng định, Ủy ban không can thiệp hay liên quan đến các cuộc tranh luận nội bộ tại Tây Ban Nha. Những điều ông nói về tương lai gia nhập EU của Catalonia chỉ là giả thuyết khi cuộc trưng cầu dân ý có xảy ra.

Các cuộc đàm phán gia nhập EU là một quá trình gian nan liên quan đến việc tuân thủ tất cả các tiêu chuẩn và quy tắc của EU và giành được sự đồng ý của tất cả các chính phủ các nước thành viên EU. Điều này có nghĩa là Tây Ban Nha có thể ngăn cản sự gia nhập của Catalonia tại Châu Âu, nếu muốn.


Quá trình ly khai khỏi Tây Ban Nha đã khó, gia nhập EU còn khó hơn đối với Catalonia.

Quá trình ly khai khỏi Tây Ban Nha đã khó, gia nhập EU còn khó hơn đối với Catalonia.

Hôm 6/9, Nghị viện vùng Catalonia đã quyết định sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu để giành quyền độc lập khỏi Tây Ban Nha vào ngày 1/10 tới.

Thống đốc xứ Catalonia - ông Carles Puigdemont đã ký một sắc lệnh chính thức kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về khả năng vùng này sẽ trở thành một quốc gia độc lập - Catalan.

Tuy nhiên, Chính phủ Tây Ban Nha đã tuyên bố rằng bất cứ cuộc trưng cầu dân ý nào về độc lập đều bất hợp pháp vì hiến pháp quy định Tây Ban Nha là không thể chia tách.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cam kết làm mọi cách để ngăn chặn cuộc trưng cầu ý dân trái phép này.

Tới ngày 13/9, Văn phòng công tố trung ương Tây Ban Nha đã ra lệnh tiến hành điều tra hình sự đối với hơn 700 thị trưởng vùng tự trị Catalonia vì ủng hộ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập trên.

Các thị trưởng theo đó nhận được lệnh triệu tập dưới vai trò là nghi can chính trong vụ điều tra vi phạm hiến pháp này.

Theo thông tin từ cơ quan công tố, Chính quyền vùng Catalonia đã đề nghị 948 thị trưởng trong vùng tạo điều kiện cho cuộc bỏ phiếu sắp tới. Đã có 712 thị trưởng cam kết cho phép sử dụng trụ sở của mình để tổ chức sự kiện này.

Lệnh triệu tập cũng đề cập đến việc các nghi can không tuân theo lệnh này có thể bị cảnh sát bắt giữ.

Cơ quan công tố cũng đã chính thức khởi kiện chống lại người đứng đầu vùng Catalonia Carles Puigdemont và các thành viên chính quyền vùng về kế hoạch trưng cầu trái phép.

Lệnh triệu tập trên được đưa ra một ngày sau khi cơ quan công tố ra lệnh cho cảnh sát Catalonia tịch thu các hòm phiếu, phiếu bầu và mọi vật liệu khác có thể được sử dụng cho cuộc trưng cầu.

Những người này bị cáo buộc các tội danh "chống đối", "lạm quyền" và "sử dụng công quỹ sai mục đích", có thể bị phạt tù tới 8 năm.


Người Catalonia vẫn nuôi hy vọng độc lập.

Người Catalonia vẫn nuôi hy vọng độc lập.

Lệnh triệu tập hàng trăm thị trưởng vùng Catalonia được ban hành chỉ một ngày sau khi Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đình chỉ đạo luật của vùng Catalonia quy định về khung pháp lý cho một nhà nước độc lập.

Catalonia là vùng đất giàu có, với 7,5 triệu dân sử dụng ngôn ngữ riêng và có nền văn hóa riêng. Vùng này đóng góp 1/5 GDP của Tây Ban Nha, và được hưởng nhiều quyền tự quyết trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, khu vực này cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc suy thoái kinh tế kéo dài năm năm qua ở Tây Ban Nha và từ lâu đã có ý định tách ra độc lập.

Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới đây, người dân Catalonia đang chia rẽ về vấn đề này khi 44,9% số người được hỏi ủng hộ độc lập, 45,1% phản đối. Tuy nhiên, đại đa số những người được hỏi đều ủng hộ tiến hành trưng cầu ý dân.

Theo Ngọc Dương

Báo Đất Việt