1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên trên thế giới có thể mang bom hạt nhân

Đức Hoàng

(Dân trí) - F-35A trở thành tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên trên thế giới được phép mang bom hạt nhân.

Tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên trên thế giới có thể mang bom hạt nhân - 1

Tiêm kích F-35A (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Newsweek đưa tin, máy bay phản lực tàng hình F-35A do nhiều nước NATO vận hành đã được phép mang vũ khí hạt nhân, trở thành tiêm kích thế hệ thứ 5 đầu tiên có thể được lắp những quả bom uy lực như vậy.

Russ Goemaere, người phát ngôn của Văn phòng Chương trình F-35, cho biết với Breaking Defense rằng máy bay chiến đấu tấn công chung F-35A do Lockheed Martin sản xuất đã được phê duyệt để mang bom nhiệt hạch B61-12.

Điều này có nghĩa là các máy bay phản lực tàng hình đa năng sẽ chính thức có "khả năng kép", tức là có thể mang cả vũ khí thông thường và hạt nhân.

Ông Goemaere nói F-35A đã nhận được chứng nhận hạt nhân vào giữa tháng 10/2023, sớm hơn nhiều tháng so với kế hoạch và sẽ mang lại cho "Mỹ và NATO khả năng răn đe quan trọng" với các đối thủ.

Douglas Barrie, thành viên cấp cao về hàng không vũ trụ quân sự của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Mỹ), nói với Newsweek rằng F-35A sẽ là cốt lõi của phi đội máy bay có "khả năng kép" của NATO, "thay thế các loại máy bay cũ và khả năng sống sót thấp hơn".

Thông tin này đến trong bối cảnh căng thẳng NATO và Nga đang leo thang cao chưa từng có. Các bên đã cảnh báo nhau về kịch bản "lằn ranh đỏ" và những yếu tố có thể khiến xung đột giữa 2 thế lực quân sự leo thang nguy hiểm.

F-35 là máy bay một chỗ ngồi và có 3 biến thể F-35A cho không quân, F-35B cho thủy quân lục chiến và F-35C cho hải quân.

Mỹ hiện có hàng trăm máy bay F-35A và có kế hoạch mua sắm thêm hàng nghìn chiếc khác thuộc cả 3 biến thể. Ngoài ra, ít nhất 18 quốc gia đồng minh và đối tác của Mỹ đang tích hợp hoặc có kế hoạch bổ sung F-35 vào kho vũ khí. Nếu so sánh với các đối thủ J-20 của Trung Quốc và Su-57 của Nga, số lượng máy bay F-35 đang vận hành trên thế giới lớn hơn rất nhiều.

Việc F-35 có thể tấn công bằng bom hạt nhân sẽ là một bước tiến lớn cho tiêm kích này, giúp Mỹ gia tăng năng lực răn đe, vì ngoài vượt trội các tiêm kích đối thủ về mặt số lượng, máy bay Mỹ còn có khả năng mang vũ khí uy lực.

Bom B61-12 là vũ khí hạt nhân chiến thuật - thường được sử dụng trên chiến trường chống lại các mục tiêu như đoàn xe tăng, sở chỉ huy, đơn vị tên lửa, sân bay, bãi tiếp liệu và các mục tiêu chiến trường của đối thủ.

Các phiên bản của B61-12 có nhiều mức công phá khác nhau, gồm 0,3 kiloton (sức công phá tương đương 300 tấn thuốc nổ TNT), 1,5 kiloton, 10 kiloton và 50 kiloton.

Theo Newsweek