"Hung thần" Storm Shadow của Ukraine làm khó quân đội Nga
(Dân trí) - Sự thành công lặp đi lặp lại của tên lửa hành trình Storm Shadow/ SCALP mà Anh và Pháp viện trợ cho Ukraine đã phủ bóng đen lên quân đội Nga. Moscow chưa có thể có cách nào khắc chế triệt để.
Tên lửa Storm Shadow có phải quá hiện đại?
Ngày 13/9/2023, đài truyền hình Sky News của Anh dẫn các nguồn tin giấu tên của phương Tây và Ukraine cho biết, quân đội Ukraine đã sử dụng tên lửa Storm Shadow được London cung cấp cho Kiev, để tấn công xưởng đóng tàu Ordzhonikidze tại Sevastopol trên bán đảo Crimea.
Ba quả tên lửa Storm Shadow đã bắn trúng mục tiêu, làm hư hại một tàu đổ bộ và một tàu ngầm lớp Kilo đang ở ụ tàu, gây cháy nổ tại cơ sở này, đồng thời khiến một số người bị thương.
Bộ Quốc phòng Nga không mô tả những tên lửa liên quan, mà chỉ cho biết có 10 tên lửa, trong số đó 7 tên lửa đã bị đánh chặn. Ukraine đã nhanh chóng nhận trách nhiệm tiến hành vụ tấn công nhưng không nêu rõ vũ khí nào được sử dụng.
"Đó là Storm Shadow", một nguồn tin giấu tên nói với Sky News, hãng tin nhận xét cuộc tấn công là táo bạo.
Tên lửa hành trình Storm Shadow và SCALP lần lượt được Anh và Pháp cung cấp cho Ukraine cho đến nay đã gây ra tổn thất lớn cho quân đội Nga.
Vào tháng 9/2023, chỉ trong vòng 29 ngày, nhiều cuộc tấn công bằng Storm Shadow của Ukraine đã phá hủy trụ sở Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga, các cuộc không kích vào cầu Crimea và tấn công chính xác một sở chỉ huy tiền phương khiến quân đội Nga thực sự rất e ngại tên lửa hành trình này.
Ban đầu, việc Anh và Pháp cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình Storm Shadow dường như chưa gây được nhiều sự chú ý của Moscow. Xét trên một số thông tin về tên lửa hành trình này được tiết lộ với thế giới bên ngoài, thì chúng cũng không phải có tính năng gì là "ghê gớm" lắm.
Chẳng hạn, tầm bắn của tên lửa Storm Shadow là 560km đối với các mẫu trang bị cho quân đội Anh và Pháp, và khoảng 250-300km đối với mẫu xuất khẩu. So với 1.500-2.000km của tên lửa hành trình như Tomahawk (Mỹ) hay Kalibr (Nga), chúng đều có thông số thua xa.
Sở dĩ tên lửa Storm Shadow chỉ vươn tới vài trăm km và giống như hầu hết các vũ khí khác ở châu Âu bởi lẽ nhà chế tạo và quốc gia đặt mua không theo đuổi tầm bắn siêu xa như của Mỹ và Nga nhưng tuân theo một triết lý từ thời Chiến tranh Lạnh, "miễn là có thể tấn công Moscow".
Chúng ta có thể thấy ở châu Âu không có máy bay ném bom chiến lược tầm xa, thậm chí cả máy bay chiến đấu hạng nặng. Loại máy bay chiến đấu cỡ trung Typhoon và Rafale vốn đã được coi là lớn.
Bên cạnh tầm bắn ngắn, chế độ dẫn đường tổng hợp của tên lửa Storm Shadow là "hình ảnh vệ tinh + hồng ngoại + dẫn đường quán tính" cũng không phải là điều gì quá đặc biệt, tên lửa hành trình tầm xa của Trung Quốc, Mỹ và Nga đều có tính năng này.
Ngay từ Chiến tranh vùng Vịnh đầu những năm 1990, tên lửa hành trình Tomahawk đời đầu của quân đội Mỹ, đã chứng tỏ khả năng tấn công như vậy.
Một ví dụ khác là "chế độ dẫn đường so sánh hình ảnh giai đoạn cuối" được ca ngợi trên tên lửa Storm Shadow, nghĩa là tên lửa mang ảnh của mục tiêu và so sánh với hình ảnh thật khi tên lửa tiếp cận mục tiêu. Tính năng này chỉ có thể nói là tiên tiến, chứ không phải độc nhất.
Nói cách khác, bản thân tên lửa hành trình Storm Shadow không phải là tên lửa có thể thay đổi cuộc chơi, nó có chế độ tấn công xuyên phá ở tốc độ cận âm với độ cao bay cực thấp, cũng là chế độ đột phá cổ điển.
Vì sao phòng không Nga đánh chặn kém hiệu quả?
Khi nói đến lý do tại sao quân đội Ukraine có thể thường xuyên sử dụng thành công loại tên lửa này, vấn đề lớn nhất chính là hệ thống phòng không của Nga có vấn đề.
Cách đây không lâu, Kiev đã sử dụng một số lượng lớn máy bay không người lái (UAV) tự sát để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Mặc dù UAV có khả năng hạn chế hơn tên lửa hành trình rất nhiều, tốc độ thấp, sức công phá cũng không mạnh và đa phần đã bị bắn hạ, nhưng vẫn có chiếc đột phá thành công.
Tên lửa hành trình Storm Shadow có uy lực gấp bội những chiếc UAV, tốc độ bay của nó là Mach 0,8-0,95 và có thể bay ở độ cao cực thấp 100m, thậm chí bám địa hình, cách mặt đất chỉ 10 mét, đồng thời còn có khả năng tàng hình nhất định. Những tính năng này của nó, khiến quân đội Nga bị thiệt hại là không có gì đáng ngạc nhiên.
Mặt dù lực lượng phòng không Nga có nhiều vũ khí có khả năng đánh chặn Storm Shadow như hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S1, S-300, S-400 và thậm chí cả Buk-M2, Tor-M2.
Tuy nhiên, để đánh chặn mục tiêu có tốc độ cận âm như Storm Shadow, có khả năng tàng hình nhất định và đặc biệt là tính năng bay thấp, thì mục tiêu phải được phát hiện sớm.
Những radar phòng không mặt đất dù mạnh đến mấy, đều có những điểm yếu trong việc phát hiện những mục tiêu bay thấp như vậy. Do đó muốn phát hiện sớm loại mục tiêu này, cần có một máy bay cảnh báo sớm hiệu suất cao.
Máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không A-50U của Không quân Nga hoàn toàn có khả năng phát hiện loại mục tiêu này từ rất xa, nhưng do số lượng quá ít, lại bị rơi mất ít nhất 2 chiếc, nên việc cất cánh thực hiện nhiệm vụ hạn chế. Ngoài ra Nga có lãnh thổ rộng lớn như vậy, số máy bay A-50 đơn giản là không đủ bao phủ.
Có thể nói, quân đội Ukraine đã lợi dụng điểm yếu phòng không hiện tại của quân đội Nga, cộng với lợi thế tình báo do NATO cung cấp, nên đã nhiều lần tấn công thành công bằng loại tên lửa này.
Điểm đáng chú ý nữa là phương Tây giúp Ukraine đã cải tiến những chiếc máy bay chiến đấu Su-24, Su-27 lạc hậu từ thời Liên Xô, để có thể sử dụng vũ khí NATO.
Theo nguồn tin của truyền thông Nga, tên lửa Storm Shadow của Ukraine được phóng đi từ máy bay ném bom Su-24M và không sử dụng bất kỳ thông tin nào do máy bay cung cấp, cả trước hoặc sau khi phóng.
Tên lửa Storm Shadow được lập trình sẵn để bay theo các điểm tham chiếu đến vị trí của mục tiêu, bằng cách sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính, có GPS hỗ trợ và hệ thống so sánh đường viền địa hình. Thông thường nó chỉ bay ở độ cao từ 30 đến 40m so với mặt đất để tránh bị radar mặt đất của Nga phát hiện.
Từ khía cạnh này cho thấy, khả năng kiểm soát trên không của quân đội Nga yếu, dù lực lượng không quân chiến thuật của họ sử dụng tiêm kích Su-35 để chiếm ưu thế trên không và so với những chiếc Su-24M của Ukraine, thì chẳng khác gì "dùng dao giết trâu để mổ gà".
Tuy nhiên, việc Su-24M của Ukraine vẫn có thể cất cánh và phóng tên lửa Storm Shadow để tập kích thành công mục tiêu cho thấy Nga chưa thực sự giành được ưu thế trên không. Thế nên, một khi Ukraine có được chiến đấu cơ F-16, quân đội Nga sẽ còn gặp rắc rối hơn nữa.
Việc mổ xẻ Storm Shadow có giúp Nga khắc chế tên lửa này?
Theo RIA Novosti, Quân đội Nga đã thu được một số tên lửa Storm Shadow còn tương đối nguyên vẹn, bàn giao cho các cơ quan chế tạo vũ khí nghiên cứu, nhằm tìm ra cách để đối phó. Đồng thời họ cũng có thể thu lượm được một số công nghệ hữu ích để nâng cao tính năng tên lửa hành trình của Nga.
Vào ngày 29/3 vừa qua, RIA Novosti đã công bố video ghi lại cảnh các chuyên gia Nga tháo rời một tên lửa hành trình Storm Shadow của Ukraine thu được trong tình trạng tương đối nguyên vẹn trên chiến trường.
Hình ảnh cho thấy, quả đạn Storm Shadow bị gãy một phần cánh, nhưng phần vỏ composite bên ngoài cùng cấu trúc các bộ phận bên trong còn nguyên vẹn. Tên lửa được tháo dỡ ngay tại khu vực bị rơi, dường như để tách rời phần đầu nổ, trước khi đưa về trung tâm nghiên cứu. Quả đạn dường như rơi do bị hệ thống tác chiến điện tử gây nhiễu, hoặc gặp lỗi kĩ thuật khi bay, chứ không phải bị hỏa lực phòng không đánh chặn.
"Chúng tôi đang nghiên cứu các công nghệ để từ đó tìm cách vô hiệu hóa chúng", nguồn tin của RIA Novosti nói. "Các thuật toán và công cụ phòng không đã được phát triển để ngăn chặn chúng tấn công lãnh thổ Nga trong tương lai".
Hiện nay Anh và Pháp đã cung cấp nhiều lô tên lửa Storm Shadow/SCALP cho Ukraine, trong kho của họ có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn quả. Nếu quân đội Nga không thể tìm ra chiến lược phòng ngừa càng sớm càng tốt, thì tên lửa Storm Shadow/ SCALP sẽ là "hung thần", tiếp tục phủ bóng đen lên Quân đội Nga.