1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cách ông Trump có thể sử dụng để chấm dứt xung đột Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang cân nhắc một thỏa thuận với Nga để chấm dứt xung đột Ukraine, trong đó có phương án ngăn NATO mở rộng, Politico dẫn nguồn thạo tin cho biết.

Cách ông Trump có thể sử dụng để chấm dứt xung đột Ukraine - 1

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

"Ứng viên Tổng thống Mỹ (Donald Trump) đang cân nhắc một thỏa thuận trong đó NATO cam kết không mở rộng thêm về phía đông, đặc biệt là sang Ukraine và Georgia, và đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin về phần lãnh thổ ở Ukraine mà Nga có thể kiểm soát", báo Politico ngày 2/7 dẫn nguồn tin giấu tên được cho là các chuyên gia an ninh thân cận với ông Trump cho biết.

Một nguồn thạo tin cho biết, ông Trump "sẵn sàng chấp nhận điều gì đó ngăn chặn việc mở rộng NATO và không quay trở lại đường biên giới năm 1991 của Ukraine", song không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào khác, "bao gồm cả việc cung cấp số lượng lớn vũ khí" cho Kiev.

Ông Trump, 78 tuổi, hiện là ứng viên tổng thống sáng giá của đảng Cộng hòa Mỹ. Ông tỏ ra không mặn mà với NATO. Khi còn đương nhiệm, ông từng tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi liên minh quân sự này. Gần đây, ông nói rằng, Mỹ sẽ để Nga làm bất cứ điều gì họ muốn với các thành viên của NATO không dành đủ ngân sách cho an ninh.

Theo các nhà phân tích, mặc dù ông Trump khó có khả năng rút Mỹ khỏi NATO, nhưng nếu tái đắc cử, ông có thể sẽ cải tổ liên minh quân sự này để các thành viên chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn với Washington.

Kế hoạch của ông Trump được cho là nếu các thành viên châu Âu trong khối không chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng, nước đó "sẽ không được hưởng sự hỗ trợ lớn về quốc phòng và an ninh" của Mỹ. Mỹ sẽ duy trì các căn cứ không quân và hải quân ở châu Âu, nhưng để "phần lớn hoạt động bộ binh, thiết giáp, hậu cần và pháo binh" cho các đồng minh châu Âu tự phụ trách.

Về chiến sự Nga - Ukraine, ông Trump cũng nhiều lần khẳng định có thể chấm dứt xung đột trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử vào cuối năm nay. Ông cho biết, ông sẽ buộc lãnh đạo Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với những nhượng bộ nhất định.

Cụ thể, Washington sẽ cắt viện trợ cho Ukraine nếu nước này từ chối đàm phán. Ngược lại, nếu Nga từ chối đàm phán, Washington sẽ cung cấp nhiều vũ khí hơn cho Ukraine.

Một số nguồn tin cho hay, ông Trump dường như sẽ buộc Kiev phải nhượng bộ về lãnh thổ để đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga.

Tuy nhiên, giới chức Ukraine tuyên bố sẽ không bao giờ nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình. Do vậy, Kiev bác bỏ đề xuất hòa bình mới đây mà Tổng thống Putin đưa tin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng trước đưa ra đề xuất hòa bình, trong đó đề nghị Ukraine công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk, Lugansk, vùng Kherson và Zaporizhia thuộc Nga. Chủ nhân Điện Kremlin cũng đề nghị Ukraine thiết lập quy chế phi hạt nhân, đồng ý phi quân sự hóa, phi phát xít hóa, duy trì vị thế trung lập, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine