1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

NATO tìm cách duy trì viện trợ cho Ukraine nếu ông Trump đắc cử

Đức Hoàng

(Dân trí) - Truyền thông Mỹ nói rằng NATO dường như đang chuẩn bị cho kịch bản ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ năm nay, trong đó bao gồm việc lập nền tảng để duy trì nguồn viện trợ cho Ukraine.

NATO tìm cách duy trì viện trợ cho Ukraine nếu ông Trump đắc cử - 1

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Newsweek).

Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ quan chức Mỹ và NATO cho hay, liên minh quân sự này đang chuẩn bị một loạt biện pháp dài hạn để hỗ trợ cho Ukraine, ngay cả trong kịch bản ông Trump thắng cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay.

Theo nguồn tin, NATO dường như có kế hoạch đưa một quan chức dân sự cấp cao tới Kiev và thành lập bộ chỉ huy mới ở Đức để phối hợp hỗ trợ quân sự và huấn luyện cho quân đội Ukraine.

Hoạt động này có tên gọi hỗ trợ và đào tạo an ninh của NATO cho Ukraine, dự kiến sẽ có sự tham gia của gần 700 nhân viên quân sự Mỹ và các nước khác từ 32 quốc gia thành viên. Nó sẽ đảm nhận phần lớn nhiệm vụ mà quân đội Mỹ đã thực hiện kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hơn 2 năm trước.

Theo Wall Street Journal, kế hoạch này có thể sẽ được công bố vào hội nghị thượng đỉnh NATO vào tuần tới ở Mỹ.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh làn sóng ủng hộ các lực lượng chính trị cánh hữu ở châu Âu ngày càng gia tăng và khả năng cựu Tổng thống Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng. Nếu những kịch bản này xảy ra, việc các thành viên NATO, trong đó có Mỹ, giảm ủng hộ đối với Ukraine ngày càng có thể trở thành hiện thực.

Theo báo Mỹ, các sáng kiến mới đã được thảo luận trong vài tháng, nhưng chúng đang trở nên cấp bách hơn sau màn tranh luận gây ra phản ứng trái chiều của Tổng thống Joe Biden vào tuần trước với ông Trump.

Ngoài ra, ông Trump nhiều lần phàn nàn về số tiền mà Mỹ đã chi để viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga, tuyên bố rằng ông sẽ khiến cuộc chiến khép lại trong 24h nếu đắc cử. 

Ông Ivo Daalder, Đại sứ Mỹ tại NATO từ năm 2009 đến 2013, nói: "Lý do lớn cho sự thay đổi là vì ông Trump không có quan điểm hỗ trợ Ukraine quyết liệt. Vì vậy, thay vì để Washington chịu trách nhiệm quản lý việc đào tạo và hỗ trợ cho Ukraine, NATO sẽ chịu trách nhiệm. Vì vậy, ngay cả khi Mỹ giảm bớt hoặc rút lại sự hỗ trợ thì nhiệm vụ giúp đỡ cho Ukraine cũng sẽ không bị loại bỏ".

Các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức của Mỹ đều nói rằng những bước đi này sẽ cho phép liên minh phối hợp tốt hơn nhằm hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong việc chống lại Nga. Kế hoạch này cũng nhằm mục đích làm cho lực lượng vũ trang của Ukraine ngày càng tiệm cận với lực lượng vũ trang của NATO hơn.

Trong hội nghị tuần tới, NATO kỳ vọng rằng các thành viên liên minh sẽ có thể đồng thuận về cam kết tài chính hàng năm để hỗ trợ quân sự cho Ukraine, mặc dù các điều khoản vẫn đang được đàm phán.

Trước đó, Keith Kellogg và Fred Fleitz, hai cố vấn chủ chốt của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã trình bày với ông một kế hoạch chấm dứt xung đột Nga - Ukraine nếu ông thắng cử tổng thống. Kế hoạch này bao gồm việc tuyên bố với Ukraine rằng họ sẽ chỉ nhận thêm vũ khí của Mỹ nếu tham gia đàm phán hòa bình.

Đồng thời, Mỹ sẽ cảnh báo Nga rằng bất kỳ sự từ chối đàm phán nào sẽ dẫn đến việc Washington tăng cường hỗ trợ cho Kiev, Trung tướng đã nghỉ hưu Keith Kellogg, một trong những cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Các cố vấn của ông Trump cho rằng cần nhanh chóng đưa Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán nếu ông Trump tái đắc cử.

"Chúng tôi sẽ nói với Ukraine rằng các vị cần ngồi vào bàn đàm phán, nếu không, Mỹ sẽ cắt viện trợ. Chúng tôi cũng sẽ nói với Nga rằng các vị phải đàm phán, nếu không chúng tôi sẽ cấp cho Ukraine vũ khí chống lại Nga", ông Kellogg nói.

Theo UP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine