1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

NATO tuyên bố không cần sửa đổi học thuyết hạt nhân

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, ở thời điểm hiện tại, liên minh này nhận thấy không cần thiết phải sửa đổi học thuyết hạt nhân.

NATO tuyên bố không cần sửa đổi học thuyết hạt nhân - 1

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: Reuters).

"Không có mối đe dọa nào trước mắt. NATO không thấy cần phải sửa đổi chiến lược hạt nhân của mình", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trả lời phỏng vấn nhật báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản ngày 1/7.

Ông Stoltenberg cũng lưu ý rằng quá trình thay thế các máy bay chiến đấu Mỹ dùng để răn đe hạt nhân từ F-16 sang F-35 "vẫn tiếp tục như thường lệ".

Trước đó, hôm 12/6, ông Stoltenberg nhấn mạnh, vũ khí hạt nhân của NATO là "sự đảm bảo an ninh cuối cùng" và là phương tiện để duy trì hòa bình.

Nói về điều mà ông gọi là "sự thích ứng đang diễn ra" với kho vũ khí hạt nhân của NATO, ông Stoltenberg cho biết, Hà Lan hồi tháng 6 đã tuyên bố các máy bay chiến đấu F-35 đầu tiên sẵn sàng mang vũ khí hạt nhân và Mỹ đang hiện đại hóa vũ khí hạt nhân ở châu Âu.

Lãnh đạo NATO cho rằng, đây là "sự thích ứng" với các hoạt động và phát ngôn ngày càng tăng của Nga liên quan đến năng lực hạt nhân.

"Những gì chúng tôi đã thấy trong vài năm, vài tháng qua là những lời đe dọa hạt nhân nguy hiểm từ phía Nga. Chúng tôi cũng thấy một số cuộc tập trận, diễn tập hạt nhân khác từ phía Nga", ông nói.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra cách đây hơn 2 năm, Moscow nhiều lần đề cập đến học thuyết hạt nhân.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Nga đang cân nhắc khả năng thay đổi học thuyết của nước này về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo học thuyết hiện tại, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân, hoặc trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công thông thường gây ra mối đe dọa cho sự sống còn của nước Nga.

Chủ nhân Điện Kremlin tiết lộ: "Chúng tôi có kế hoạch phát triển hơn nữa bộ 3 hạt nhân như một sự đảm bảo cho khả năng răn đe chiến lược và duy trì cán cân quyền lực trên thế giới".

Mặc dù vậy, ông Putin khẳng định, Nga không cần tấn công hạt nhân phủ đầu.

Theo Sputnik