1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cách Nga "vô hiệu hóa" lệnh trừng phạt của phương Tây

Minh Phương

(Dân trí) - Ngay cả khi các nước phương Tây dồn dập áp lệnh trừng phạt lên Nga để phản đối cuộc xung đột ở Ukraine, vẫn có những kẽ hở giúp Nga tránh các biện pháp trừng phạt này.

Cách Nga vô hiệu hóa lệnh trừng phạt của phương Tây - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, các lệnh trừng phạt của phương Tây không thể cô lập Nga (Ảnh minh họa: China Daily).

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, các nước phương Tây đã liên tục tìm cách cô lập Moscow cả về mặt chính trị và kinh tế. Ngoài việc viện trợ quân sự, tài chính cho Kiev, phương Tây cũng nỗ lực gây sức ép lên kinh tế Nga bằng lệnh trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực then chốt của nước này.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt này vẫn có kẽ hở đó là Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) - một liên minh mà Nga là thành viên. Là thành viên của EAEU nghĩa là không có bất cứ rào cản nào đối với hoạt động nhập khẩu của Nga với các hàng hóa của các thành viên khác gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan.

Trong số đó, Armenia là thành viên duy nhất có thỏa thuận thương mại quan trọng với bất cứ định chế phương Tây nào, đặc biệt, Thỏa thuận hợp tác toàn diện (CEPA) với Liên minh châu Âu vừa có hiệu lực cách đây hơn một năm.

Nhờ CEPA, giá trị giao dịch thương mại của Armenia với EU đã tăng gần 1/4 trong năm 2021 lên 1,6 tỷ USD. Do CEPA giảm bớt các rào cản thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ, cũng như đơn giản hóa quá trình cấp giấy phép, nên Armenia được cho là có thể giúp Nga "vô hiệu hóa" các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Chiến dịch quân sự ở Ukraine khiến Nga trở thành một trong những quốc gia hứng nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới. Phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis ngày 25/4 cho biết, khối này chuẩn bị tung ra gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga. Ông Dombrovskis nói: "Chúng tôi đang thảo luận gói trừng phạt thứ 6, một trong những vấn đề mà chúng tôi cân nhắc là áp lệnh cấm vấn dầu mỏ của Nga. Khi áp lệnh trừng phạt, chúng tôi cần xem xét làm thế nào để gây sức ép tối đa lên Nga, trong khi hạn chế tổn thất ở phía chúng tôi".

Hiện EU vẫn chưa thể thống nhất về một lệnh cấm vận hoàn toàn dầu mỏ từ Nga, song ông Dombrovskis cho hay, EU có thể xem xét áp thuế cao hơn so với bình thường. Nga là nguồn cung năng lượng chính cho EU. Năm 2021, Nga cung cấp 45% nhu cầu khí đốt, 27% dầu thô và 46% than đá cho EU.

Về phía Nga, giới chức nước này khẳng định, lệnh trừng phạt của phương Tây không thể cô lập Nga. "Cuộc chiến kinh tế chớp nhoáng mà các đối thủ của chúng tôi tính đến đã thất bại, điều này khá rõ ràng. Hệ thống tài chính và công nghiệp của chúng tôi vẫn đang hoạt động nhịp nhàng", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Belarus hôm 12/4.

Mặt khác, chủ nhân Điện Kremlin thừa nhận, kinh tế Nga vẫn phải đối mặt với một số thách thức do các lệnh trừng phạt gây ra, đặc biệt trong lĩnh vực hậu cần. Ông cũng cảnh báo, các nước áp trừng phạt Nga cũng sẽ đối mặt với những vấn đề tương tự. Ông nhấn mạnh, nếu phương Tây "không thể làm việc với Nga một cách hiệu quả, thế giới sẽ không có đủ lương thực". Theo Tổng thống Putin, giá lương thực cao dẫn đến nạn đói ở nhiều khu vực trên thế giới và điều này sẽ dẫn đến làn sóng di cư nhiều hơn, bao gồm hướng tới châu Âu.

Theo Eurasia Review
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine