Tổng thống Putin nói đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây thất bại
(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các quốc gia phương Tây đã thất bại trong nỗ lực gây bất ổn cho nền kinh tế Nga bằng các lệnh trừng phạt.
"Tình hình đang ổn định, tỷ giá đồng rúp đã quay trở lại mức như nửa đầu tháng 2 và được hỗ trợ bởi cán cân thanh toán mạnh mẽ… Những dòng ngoại tệ đang quay trở lại hệ thống ngân hàng của Nga và khối lượng tiền gửi của người dân ngày càng tăng. Đối với thị trường tiêu dùng, sau khoảng thời gian ngắn đổ xô mua một số mặt hàng, nhu cầu bán lẻ đã trở lại bình thường. Dự trữ hàng hóa trong các chuỗi bán lẻ đang phục hồi", Tổng thống Putin nói trong cuộc họp của chính phủ Nga về tình hình kinh tế hôm 18/4.
Tổng thống Putin khẳng định các lệnh trừng phạt không thể phá vỡ nền kinh tế Nga.
"Mục tiêu (của các biện pháp trừng phạt) là nhanh chóng phá hoại tình hình tài chính và kinh tế ở nước ta, gây ra sự hoảng loạn trên thị trường, khiến hệ thống ngân hàng sụp đổ và làm cho hàng hóa thiếu thốn trên quy mô lớn. Nhưng chính sách này đã thất bại, cuộc chiến kinh tế chớp nhoáng đã không thành công", Tổng thống Nga tuyên bố.
Trong khi đó, theo ông Putin, các biện pháp trừng phạt đã tác động ngược trở lại các quốc gia đưa ra chúng, cụ thể là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), khiến tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp ở các quốc gia này tăng vọt, mức sống của người dân ngày càng giảm, trong khi tiền tiết kiệm bị mất giá.
Ông Putin thừa nhận người Nga cũng cảm nhận tác động của các lệnh trừng phạt đối với ngân sách gia đình của họ, vì giá cả trong một tháng rưỡi qua tăng và lạm phát hàng năm cũng tăng lên. Tuy nhiên, Tổng thống Putin cho biết giá cả đang có dấu hiệu ổn định và ông cam kết sẽ đưa ra các biện pháp tiếp theo để hỗ trợ người dân.
"Chúng ta cần hỗ trợ người dân của mình, giúp họ đối phó với làn sóng lạm phát. Về vấn đề này, tôi xin nhắc lại rằng chúng tôi đã đưa ra quyết định tăng tất cả các khoản phúc lợi xã hội, lương hưu và lương của những người làm việc trong khu vực công", ông Putin nói.
Theo Tổng thống Putin, nhiệm vụ trọng tâm của chính phủ lúc này là bảo đảm sự ổn định lâu dài của hệ thống tài chính ở cả cấp độ liên bang và khu vực.
Nga đã phải đối mặt với làn sóng trừng phạt chưa từng có từ Mỹ và các đồng minh sau khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine. Trong vòng chưa đầy 2 tháng, Nga đã trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới.
Sau lệnh cấm vận năng lượng đối với Nga do Mỹ và Anh khởi xướng, EU cho biết họ sẽ giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trong năm nay và loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2030. Ngoài ra, Phương Tây đã phong tỏa tài sản của ngân hàng trung ương Nga, loại trừ các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và thu hồi quy chế "tối huệ quốc" của Nga, khiến nền kinh tế Nga rơi vào tình trạng ảm đạm chưa từng có.
Theo báo cáo của truyền thông phương Tây, nền kinh tế Nga có thể sụt giảm 1/3 trong năm nay. Ngay cả khi Nga chấm dứt ngay lập tức các hoạt động quân sự tại Ukraine, nước này được cho là sẽ phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi nền kinh tế.