1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Brazil đề xuất cơ chế chấm dứt xung đột Nga - Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) về khả năng làm trung gian hòa giải xung đột Nga và Ukraine.

Brazil đề xuất cơ chế chấm dứt xung đột Nga - Ukraine - 1

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva (Ảnh: Reuters).

"G20 đã được thành lập để cứu nền kinh tế thế giới khỏi cuộc khủng hoảng. Hiện giờ, chúng ta cần lập một cơ chế tương tự G20 để chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine và thiết lập hòa bình. Đó là ý tưởng của tôi, tôi tin rằng chúng ta sẽ thành công", Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva phát biểu tại một cuộc họp báo ở Abu Dhabi ngày 16/4 sau chuyến thăm Trung Quốc và UAE.

Ông cho biết, ông đã thảo luận với lãnh đạo hai nước này về ý tưởng lập nhóm "G20 chính trị" đóng vai trò trung gian hòa giải xung đột Nga - Ukraine. Trước đó, ông cũng trao đổi kế hoạch với một loạt nguyên thủ quốc tế như Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và một số lãnh đạo ở Nam Mỹ.

Tổng thống Lula da Silva cho rằng, cả Nga, Ukraine đều không có bước đi khả quan nào nhằm chấm dứt xung đột. "Tất cả họ nên ngồi vào bàn đàm phán và nói: Thế là quá đủ rồi", ông Silva kêu gọi.

Hồi đầu năm nay, Tổng thống Lula da Silva cho biết, ông sẽ thúc đẩy ý tưởng về một nhóm các quốc gia hòa giải, nói rằng "đã đến lúc Trung Quốc phải tham gia".

Tuy nhiên, một số nhà phân tích tỏ ra hoài nghi về kế hoạch này. Ryan Berg, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định: "Brazil muốn chứng tỏ vị thế trong việc góp phần giải quyết các vấn đề và đáp ứng những thách thức toàn cầu. Vấn đề là Brazil không có vị thế phù hợp để có thể tác động đến cuộc xung đột này, cũng không được nhiều người coi là trọng tài trung lập vì là thành viên của BRICS (Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi)".

Brazil đề xuất cơ chế chấm dứt xung đột Nga - Ukraine - 2

Binh sĩ Ukraine khai hỏa ở miền Đông (Ảnh: AFP).

Đến nay, Nga và Ukraine chưa thể tìm được tiếng nói chung nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn một năm qua. Hai bên đưa ra những điều kiện đàm phán mà bên còn lại coi là không thể chấp nhận được.

Trong bối cảnh tình hình trên chiến trường bế tắc và xung đột trở thành cuộc chiến tiêu hao kéo dài, nhiều nước đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Moscow và Kiev.

Hồi tháng 2, Trung Quốc đã đưa ra bản đề xuất gồm 12 điểm nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, đề xuất vấp phải sự phản đối của một số nước phương Tây. Nga dù ủng hộ kế hoạch của Bắc Kinh, nhưng cho rằng "tình hình Ukraine vẫn khó khăn, cho đến nay không có triển vọng về một giải pháp hòa bình". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tháng trước tuyên bố, hiện chưa có "bất kỳ cách nào khác ngoài việc tiếp tục hoạt động quân sự đặc biệt".

Hôm 14/4, Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu lực lượng quân sự tư nhân Nga Wagner, bất ngờ kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và tập trung vào củng cố quyền kiểm soát tại các vùng đã giành được.

Lãnh đạo Wagner chỉ ra, Nga nắm quyền kiểm soát biển Azov và một phần lớn Biển Đen, đồng thời giữ quyền kiểm soát một phần lãnh thổ Ukraine để tạo ra một hành lang trên đất liền tới Crimea, do vậy, Moscow có thể tuyên bố đạt được kết quả đề ra và chấm dứt chiến dịch.

Điện Kremlin hiện chưa bình luận về lời kêu gọi này.

Theo TASS, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine