Binh sĩ Nga chỉ ra "tử huyệt" trên xe tăng Abrams Mỹ cấp cho Ukraine
(Dân trí) - Một quân nhân vận hành máy bay không người lái (UAV) Lancet của Nga chỉ ra điểm yếu của xe tăng Abrams mà Mỹ viện trợ cho Ukraine.
Trả lời phỏng vấn RIA Novosti, quân nhân Nga biệt danh Shket - người có nhiệm vụ vận hành UAV Lancet, cho rằng điểm dễ tổn thương nhất của xe tăng Abrams là lớp giáp yếu trên nóc, cũng như các bộ phận bên hông và phía sau.
Mỹ chuyển chiếc Abrams đầu tiên cho Ukraine vào cuối tháng 9 và tính tới đầu tuần trước, toàn bộ 31 chiếc Washington cam kết viện trợ đã được giao cho Kiev. Hiện thời, các vũ khí này đã sẵn sàng xuất kích.
Theo Shket, Nga đã có chiến lược để tấn công Abrams bằng UAV. "Lancet có thể tấn công từ trên cao và lớp giáp trên nóc của tất cả xe tăng đều trở thành điểm yếu. Ngoài ra, Abrams còn có một phần khá lớn ở phía sau đầu xe - một hốc lớn chứa đạn dược. UAV có thể tấn công thẳng vào đó", anh nhận định.
Quân nhân Nga nhận định, Mỹ dường như đã viện trợ cho Ukraine các phiên bản Abrams được chỉnh sửa, lược bỏ bớt đi một số tính năng kỹ thuật, bao gồm lớp giáp uranium cho phần phía trước.
Theo giới quan sát, Mỹ dường như lo ngại các xe tăng này có thể rơi vào tay Nga và Moscow có thể nghiên cứu các công nghệ tiên tiến của Washington. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, phiên bản Abrams đưa tới Ukraine đã được loại bỏ những bộ phận có thể gây ra rò rỉ thông tin tình báo quan trọng.
Trước đó, Yuri Knutov, chuyên gia quân sự kiêm giám đốc Bảo tàng Không quân Nga cho rằng xe tăng M1 Abrams mà Mỹ chuẩn bị chuyển giao cho Ukraine là một loại vũ khí vô cùng uy lực, nhưng cũng có những điểm yếu mà Moscow có thể tận dụng.
"Điểm yếu của Abrams là động cơ turbine khí hiệu suất cao sử dụng nhiên liệu máy bay. Xe tăng này cần tới 24kg nhiên liệu chỉ để khởi động và làm nóng tua-bin. Xe tăng Abrams cũng có một máy phát điện được che chắn bởi một lớp giáp yếu, và đó sẽ là tử huyệt lớn nhất của loại xe tăng này", ông Knutov nói.
Theo ông, với lượng nhiên liệu lớn mà M1 Abrams tiêu thụ, nếu đánh trúng máy phát điện trên, những vũ khí hạng nhẹ hoặc bom xăng thô sơ cũng có thể gây thiệt hại nặng nề, thậm chí là phá hủy toàn bộ xe tăng.
Ngoài ra, hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu lớn cũng sẽ gây khó khăn cho lực lượng hậu cần của quân đội Ukraine một khi xe tăng M1 Abrams được đưa vào vận hành.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu tại King's College London (Anh) Marina Miron nhận định, số xe tăng Abrams của Ukraine không lớn, nhưng Kiev phải tạo ra một chuỗi cung ứng hoàn toàn mới để phục vụ hơn 30 chiếc xe, như đạn dược, linh kiện thay thế và cả nguồn nhiên liệu.
Ngoài ra, Gustav Gressel, một chuyên gia quân sự tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) có trụ sở tại Đức, đã nói về việc xe tăng Abrams dễ bị tổn thương thế nào trong xung đột Nga - Ukraine.
Ông Gressel nói, sự phát triển liên tục của các loại máy bay không người lái trong cuộc xung đột đã và đang làm thay đổi đáng kể mối đe dọa mà xe tăng Abrams phải đối mặt.
Chuyên gia này cho rằng, khi các UAV ngày càng trở nên tiên tiến, lớp giáp bảo vệ truyền thống của Abrams có thể không đủ để chống chọi các cuộc tấn công chính xác, khiến nguy cơ các siêu tăng bị phá hủy tăng cao.