1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cách Nga có thể phá hủy siêu tăng Abrams được Mỹ cấp cho Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia nêu ra mối đe dọa đang rình rập xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams do Mỹ viện trợ cho Ukraine để đối phó với lực lượng Nga.

Cách Nga có thể phá hủy siêu tăng Abrams được Mỹ cấp cho Ukraine - 1

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams của Mỹ (Ảnh: Veteran Life).

Trong bài trả lời phỏng vấn báo Der Tagesspiegel, Gustav Gressel, một chuyên gia quân sự tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) có trụ sở tại Đức, đã nói về việc xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất dễ bị tổn thương như thế nào trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Ông Gressel nói, sự phát triển liên tục của các loại máy bay không người lái trong cuộc xung đột đã và đang làm thay đổi đáng kể mối đe dọa mà xe tăng Abrams phải đối mặt.

Chuyên gia này cho rằng, khi các UAV ngày càng trở nên tiên tiến, lớp giáp bảo vệ truyền thống của Abrams có thể không đủ để chống chọi các cuộc tấn công chính xác, khiến nguy cơ các siêu tăng bị phá hủy tăng cao.

Theo ông Gressel, việc Mỹ chuyển xe tăng Abrams cho Ukraine là một ví dụ điển hình cho thấy thời gian có thể ảnh hưởng một cách đáng kể đến hiệu quả của vũ khí trên chiến trường.

Ông nhận định, nếu như Ukraine có thể tiếp cận với xe tăng hiện đại của phương Tây từ năm ngoái, Kiev có thể đã giành được lợi thế chiến lược quan trọng vào mùa thu năm 2022. Vào thời điểm đó, ông đánh giá năng lực UAV của Nga có những hạn chế nhất định.

Tuy nhiên, ông cho rằng, Nga đã có sự thích nghi nhanh chóng và thay đổi chiến thuật máy bay không người lái trong vài tháng qua. Sự "bung sức" của Nga trong việc sử dụng UAV đã đẩy các xe tăng, thiết giáp có thể trở nên dễ tổn thương và Abrams cũng không phải ngoại lệ.

Theo ông, Nga giờ đây có thể phát hiện và phá hủy xe tăng, thiết giáp đối phương nhanh hơn rất nhiều so với năm ngoái.

Tháng trước, Thiếu tướng Vadym Skibitsky, Tổng cục phó Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine, nói rằng trên khu vực tiền tuyến, UAV dày đặc trên không tới mức các binh sĩ và xe tăng di chuyển ra khoảng trống chỉ có vài phút trước khi trở thành mục tiêu của đối phương.

Ông ước tính, khả năng sống sót của vũ khí khi di chuyển ra bên ngoài là không quá 10 phút. Chính vì vậy, các chiến thuật có tính bất ngờ trên chiến trường hiện rất khó thực hiện, khi cả 2 bên đều đang quan sát đường đi nước bước lẫn nhau.

Nga và Ukraine đều đang triển khai hàng nghìn máy bay không người lái (UAV) trên chiến trường và đang sử dụng UAV giá rẻ để tấn công lực lượng của nhau.

Trong khi đó, Đại tá Nga đã nghỉ hưu Sergey Suvorov, một chuyên gia về xe bọc thép, cho rằng lý do khiến lực lượng Moscow có thể phá hủy xe tăng do phương Tây viện trợ cho Ukraine, chủ yếu là vì cách vận hành vũ khí của các quân nhân Kiev.

Theo ông Suvorov, Ukraine thường điều động thiết bị của phương Tây mà không có sự hỗ trợ đầy đủ, như bỏ qua các biện pháp phòng ngừa cần thiết khi các xe này đi qua bãi mìn hoặc không tiến hành hoạt động trinh sát kỹ lưỡng.

Ông cho rằng, đây là lý do mà khi các xe tăng xuất hiện, chúng thường trở thành mục tiêu của hỏa lực và chướng ngại vật của Nga.

Cuối tháng trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo lô xe tăng Abrams đầu tiên của Mỹ đã tới Ukraine. Mỹ tới nay cam kết viện trợ cho Ukraine 31 chiếc loại này.

Theo Eurasian Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm