Báo Mỹ: Ukraine đã lỡ cơ hội chiến thắng Nga
(Dân trí) - Gần hai năm kể từ khi xung đột bùng nổ, Ukraine vẫn liên tục đề nghị phương Tây: Hãy cung cấp cho chúng tôi thêm vũ khí, thêm viện trợ,...
Mỹ "tay không" tới dự hội nghị về hỗ trợ Ukraine
Theo Washington Post, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đi thăm các thủ đô phương Tây vào cuối năm ngoái, đề nghị sự hỗ trợ trong bối cảnh quốc tế ngày càng mệt mỏi với cuộc xung đột và bất đồng ở quốc hội Mỹ về gói tài trợ tiếp theo cho Kiev.
Cùng lúc đó, vị tướng hàng đầu của ông - Valery Zaluzhny - than phiền về "sự bế tắc" sau khi cuộc phản công hè thu 2023 không đạt kỳ vọng do những tuyến phòng thủ có chiều sâu và vô cùng vững chắc của Nga.
Các quan chức Mỹ - phương Tây dự đoán một năm khó khăn phía trước, nơi các lực lượng ngày càng kiệt quệ của Ukraine tập trung nhiều hơn vào việc củng cố khả năng phòng thủ hơn là ngăn chặn Nga giành thêm lãnh thổ.
Nga kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea - nơi bị sáp nhập sau cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi vào năm 2014 - và một vùng rộng lớn ở phía đông nam nước này.
Tuần trước, do nguồn tiền viện trợ bị đình trệ bởi những tranh cãi nội bộ, các quan chức Lầu Năm Góc đã đi "tay không" tới tham dự cuộc họp tại Ramstein (Đức) của 50 quốc gia ủng hộ Ukraine. Ở tiền tuyến, các báo cáo cho thấy kho đạn dược và đạn pháo của nhiều đơn vị Ukraine đang cạn kiệt.
Nhà lập pháp Ukraine Roman Kostenko nói: "Chúng tôi được hỏi kế hoạch của mình là gì, nhưng chúng tôi cần biết những nguồn lực mà chúng tôi sẽ có... Hiện tại, mọi thứ đều chỉ ra khả năng chúng tôi sẽ nhận được ít hơn năm ngoái sau khi chúng tôi cố gắng thực hiện một cuộc phản công nhưng không thành công... Nếu chúng tôi nhận ít hơn thì kế hoạch sẽ rõ ràng. Đó là phòng thủ".
Tách khỏi chiến trường là vở kịch chính trị ở Washington. Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã cản trở đợt tài trợ mới nhất mà Tổng thống Joe Biden đang cố gắng phân bổ cho Kiev.
Các nhà phân tích tin rằng Tổng thống Nga Vladmir Putin đang chờ đợi khả năng trở lại nắm quyền của cựu Tổng thống Donald Trump, ứng viên của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tháng 11. Ông Trump có thể giảm bớt sự hỗ trợ dành cho Ukraine và có cái nhìn thân thiện hơn về những lo ngại an ninh của Điện Kremlin ở Đông Âu.
Chính quyền Tổng thống Biden và các đồng minh châu Âu đang nghiên cứu một kế hoạch đa phương, dài hạn hơn nhằm ngăn chặn kịch bản này và hỗ trợ đảm bảo tương lai cho Ukraine.
Điều đó bao gồm các cam kết hỗ trợ kinh tế và an ninh kéo dài trong thập kỷ tới và có thể mở đường cho Ukraine hội nhập vào các khối phương Tây như Liên minh châu Âu và NATO. Ông Biden chuẩn bị công bố kế hoạch của Mỹ về chiến lược này vào mùa xuân.
Nhà phân tích Ishaan Tharoor của Washington Post dẫn lời các đồng nghiệp viết: "Chính sách này tiềm ẩn rủi ro, bao gồm cả rủi ro chính trị".
"Tương tự như vậy, các quan chức phương Tây nhận thức sâu sắc rằng sự kiên nhẫn của người dân nước họ đối với việc tài trợ cho Ukraine không phải là vô hạn... Washington dường như cũng đã chuẩn bị sẵn lập luận rằng, ngay cả khi Ukraine không giành lại được toàn bộ lãnh thổ của mình trong thời gian tới, quốc gia này vẫn cần sự hỗ trợ đáng kể liên tục để có thể tự vệ và trở thành một phần không thể thiếu của phương Tây", chuyên gia nhận định.
Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, cả những thiếu sót ở tiền tuyến của Ukraine lẫn sự chia rẽ ở Washington đều có thể ảnh hưởng tới số phận của cuộc xung đột.
Jack Watling - nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh - viết: "Mặc dù nửa đầu năm 2024 có thể xảy ra một số thay đổi trong việc kiểm soát lãnh thổ Ukraine, nhưng trang thiết bị, đào tạo nhân sự và thương vong mà mỗi bên gánh chịu trong vài tháng tới sẽ quyết định quỹ đạo dài hạn của cuộc xung đột".
"Trên thực tế, phương Tây đang phải đối mặt với một lựa chọn quan trọng: hỗ trợ Ukraine để nước này có thể bảo vệ lãnh thổ của mình và chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào năm 2025 hoặc gây ra tổn thất không thể phục hồi cho Nga".
Phương Tây đã bỏ lỡ cơ hội tốt nhất để giúp Ukraine chiến thắng
Trong cuốn sách mới của mình, Yaroslav Trofimov - phóng viên quốc tế của Wall Street Journal - đã tiết lộ cách mà các chính phủ phương Tây giảm tốc độ hỗ trợ quân sự cho Ukraine vì lo ngại có thể gây ra leo thang vũ trang hạt nhân với Nga.
Mỹ và đồng minh đã cung cấp viện trợ khổng lồ và chưa từng có cho Ukraine, nhưng đa phần các nhà phân tích cho rằng việc thận trọng thái quá đã làm suy yếu nỗ lực chiến đấu của Ukraine.
Phóng viên Trofimov viết: "Mỹ và các đối tác đã hạn chế cung cấp cho Ukraine những vũ khí do phương Tây sản xuất vào thời điểm mà chúng có thể có tác động lớn nhất và cấm Kiev sử dụng vũ khí này để tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga".
"Vào thời điểm nhiều hệ thống phương Tây xuất hiện trong năm thứ hai của cuộc chiến, Nga đã kịp xây dựng hệ thống phòng thủ, huy động hàng trăm nghìn quân và chuyển các ngành công nghiệp của mình sang nền tảng thời chiến. Cơ hội tốt nhất cho một chiến thắng rõ ràng và nhanh chóng của Ukraine đã biến mất".
Nhà báo Hal Brands của Bloomberg viết: "Nhiều viện trợ hơn, sớm hơn sẽ tốt hơn, nhưng không có gì đảm bảo rằng nó sẽ mang lại chiến thắng quyết định cho Ukraine".
"Sự đảm bảo tốt nhất cho kết quả đó sẽ là đe dọa can thiệp quân sự trực tiếp, một chiến lược mà hầu như không ai muốn theo đuổi vì những rủi ro quá rõ ràng và có thể rất nghiêm trọng. Thật vậy, lẽ ra ông Biden phải mạnh mẽ hơn để vượt qua ranh giới đỏ của Nga", ông nhận định.
Tuy nhiên, Nga cũng đã giữ vững lập trường của mình, chống lại các lệnh trừng phạt quốc tế và đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới ở Ukraine.
Kiev biết khả năng của mình nếu thiếu sự hỗ trợ của nước ngoài. "Chúng tôi sẽ không thể tồn tại nếu không có Mỹ ủng hộ, đó là sự thật", Tổng thống Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn truyền hình gần đây.