Báo Mỹ: Panama cân nhắc nhượng bộ sau "tối hậu thư" từ Washington
(Dân trí) - Truyền thông Mỹ cho biết Panama đang xem xét phương án nhượng bộ sau khi Washington cảnh báo sẽ hành động liên quan tới tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở kênh đào Panama.
Panama đang cân nhắc việc hủy bỏ hợp đồng với công ty có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) đang vận hành các cảng gần kênh đào Panama, Bloomberg dẫn các nguồn tin am hiểu tình hình cho biết.
Đây có thể là một nhượng bộ nhằm xoa dịu các mối đe dọa của chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc xung quanh tuyến đường thủy quan trọng này.
Chính phủ của Tổng thống Jose Raul Mulino đang xem xét khả năng chấm dứt các hợp đồng mà Hutchison Ports, một công ty con của tập đoàn CK Hutchison Holdings, đang nắm giữ.
Các nguồn tin cho biết thêm rằng chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra và chính phủ sẽ tiến hành theo cách nhằm tránh các vụ kiện tụng và tuân thủ đúng quy trình pháp lý. Văn phòng Tổng thống Panama và phía Hutchison Ports hiện chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.
Nếu động thái này được thực hiện, đây sẽ là một món quà lớn dành cho ông Trump, người cho rằng Trung Quốc có quá nhiều quyền kiểm soát đối với kênh đào Panama và thậm chí không loại trừ khả năng giành quyền kiểm soát kênh đào bằng biện pháp quân sự.
Hutchison Ports đang vận hành 2/5 cảng liền kề với kênh đào Panama, mỗi bên một cảng.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã nói với các nhà chức trách Panama trong chuyến thăm vào ngày 2/2 rằng cần có các biện pháp để kiềm chế ảnh hưởng "không thể chấp nhận được" của Trung Quốc đối với kênh đào Panama, nếu không Washington sẽ thực hiện các bước đi cần thiết.
Đây là công trình do Mỹ xây dựng và được chuyển giao cho Panama vào năm 1999 theo một hiệp ước do Tổng thống Jimmy Carter ký hai thập niên trước đó.
Hutchison đã vận hành các cảng ở Balboa và Cristobal của Panama theo một thỏa thuận nhượng quyền được ký lần đầu vào năm 1997. Thỏa thuận tiếp tục được gia hạn đến năm 2047.
Đây không phải là động thái duy nhất liên quan đến các cảng. Hai luật sư đã đệ đơn kiện chống lại hợp đồng với Hutchison vào ngày 3/2, cho rằng hợp đồng này vi phạm hiến pháp của Panama. Một trong số các luật sư, ông Norman Castro, cho biết thỏa thuận nhượng quyền này bao gồm các ưu đãi thuế quá mức và chuyển nhượng diện tích đất lớn cho công ty cảng, vi phạm nguyên tắc của hiến pháp là đặt lợi ích công lên trên lợi ích tư nhân.
Sau cảnh báo từ Mỹ, Panama đề nghị cho phép tàu chiến của Washington đi qua kênh đào miễn phí và tuyên bố sẽ rút khỏi sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Ông Rubio nghi ngờ Bắc Kinh có thể sử dụng các cảng này làm điểm tập kết cho các hoạt động quân sự trong trường hợp xảy ra xung đột, đồng thời đóng kênh đào nếu xảy ra mâu thuẫn với Mỹ.
Đánh giá của chính quyền ông Trump đánh dấu một sự đảo ngược so với các kết luận trước đây của Bộ Ngoại giao Mỹ. Năm 1999, một quan chức Bộ Ngoại giao nhận định trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng Hutchison vận hành các cảng "không đại diện cho mối đe dọa đối với hoạt động của kênh đào hay các lợi ích khác của Mỹ ở Panama".
"Về cơ bản, hoạt động của Hutchison chỉ giới hạn ở việc bốc dỡ và lưu trữ các container hàng hóa. Họ cũng đang phát triển các cơ sở cảng với mục tiêu biến Cristobal thành trung tâm hoạt động của họ ở Thái Bình Dương", Đại sứ Lino Gutierrez phát biểu tại thời điểm đó.
Khoảng 75% lượng hàng hóa vận chuyển qua kênh đào Panama có điểm đến hoặc xuất phát từ Mỹ, khiến Mỹ trở thành quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ tuyến đường này. Kênh đào đã mang lại gần 5 tỷ USD trong năm tài khóa 2024, chiếm khoảng 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Panama