1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ hoan nghênh Panama rút khỏi Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc

Bảo Châm

(Dân trí) - Mỹ hoan nghênh quyết định của Panama khi không tiếp tục tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc trong bối cảnh Washington đề nghị Panama hạn chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Mỹ hoan nghênh Panama rút khỏi Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc - 1

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (Ảnh: Reuters).

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hoan nghênh quyết định của Panama khi không gia hạn việc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một chương trình hạ tầng toàn cầu của Trung Quốc.

Ông Rubio gọi đây là "bước tiến lớn" của Panama trong quan hệ với Mỹ.

Thông tin này được đưa ra sau khi nhà ngoại giao Mỹ có chuyến thăm Panama nhằm gây sức ép lên quốc gia này về mối quan hệ với Bắc Kinh.

Bất kỳ động thái nào của Panama nhằm tạo khoảng cách với BRI, dự án đặc trưng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đều được xem là một bước tiến cho Washington. Mỹ lâu nay cáo buộc Bắc Kinh sử dụng sáng kiến này như một hình thức "ngoại giao bẫy nợ" để củng cố ảnh hưởng toàn cầu.

Tuần này, ông Rubio đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump tới Panama, một đối tác quan trọng của Mỹ tại Mỹ Latinh, đồng thời gây sức ép lên quốc gia này về quan hệ với Trung Quốc.

Sau cuộc hội đàm với ông Rubio, Tổng thống Panama José Rául Mulino tuyên bố thỏa thuận chung của nước này về việc tham gia sáng kiến của Trung Quốc sẽ không được gia hạn và có thể bị chấm dứt sớm. Ông cho biết thỏa thuận dự kiến hết hạn trong vòng 2-3 năm tới nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Giáo sư Yanzhong Huang, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại New York, nhận định quyết định "quan trọng" của Panama rút khỏi BRI cho thấy một chiến thắng ban đầu cho chiến lược "ngoại giao sức ép" của chính quyền ông Trump.

"Mỹ dường như đang tăng cường sự chú ý vào sân sau của mình, khu vực Mỹ Latinh, những quốc gia vẫn cần dựa vào sự hỗ trợ và thương mại từ Mỹ", ông Huang nói.

"Tuy nhiên, tôi không chắc rằng Mỹ có thể sử dụng ảnh hưởng tương tự để buộc một quốc gia châu Á phải nhượng bộ tương tự hay không. Điều này khó xảy ra vì Trung Quốc hiện là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất ở khu vực đó", ông Huang nói thêm.

Panama là quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh chính thức ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường vào tháng 11/2017.

Trung Quốc bác bỏ chỉ trích từ phương Tây về sáng kiến này, cho biết hơn 100 quốc gia đã tham gia và sáng kiến đã thúc đẩy phát triển toàn cầu với các dự án mới như cảng biển, cầu, đường sắt và nhiều công trình khác.

Tuy nhiên, sáng kiến này đã gặp phải nhiều tranh cãi khi một số quốc gia đối tác chỉ trích chi phí dự án cao và gặp khó khăn trong việc trả nợ. Italy đã rút khỏi sáng kiến vào năm 2023 trong bối cảnh Mỹ gây áp lực vì lo ngại về tầm ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh.

Những lo ngại như vậy của Mỹ đã kéo dài từ lâu, đặc biệt đối với hoạt động của một số công ty Trung Quốc gần Kênh đào Panama, bao gồm một công ty có trụ sở tại Hong Kong vận hành 2 cảng, mỗi cảng nằm ở đầu của tuyến đường thủy được Mỹ xây dựng vào đầu thế kỷ 20 và sau đó được chuyển giao cho Panama vào năm 1999.

Hai công ty nhà nước Trung Quốc đang xây dựng cây cầu thứ 4 bắc qua một trong những lối vào kênh đào.

Hôm 2/2, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Rubio đã chuyển một thông điệp từ Tổng thống Trump, cho rằng sự hiện diện của Trung Quốc tại đây là mối đe dọa đối với Kênh đào Panama và vi phạm hiệp ước Mỹ - Panama.

Sau cuộc hội đàm với ông Rubio, Tổng thống Mulino đã ra tín hiệu sẵn sàng xem xét lại hợp đồng nhượng quyền 25 năm với công ty CK Hutchison Holdings có trụ sở tại Hong Kong, được gia hạn vào năm 2021 để vận hành hai cảng cửa ngõ, tùy thuộc vào kết quả của một cuộc kiểm toán.

Hợp đồng này đã trở thành mục tiêu chỉ trích của các nhà lập pháp và Chính phủ Mỹ, coi đây là ví dụ về sự mở rộng của Trung Quốc tại Panama, điều mà họ cho là đi ngược lại với hiệp ước trung lập được cả hai nước ký kết vào năm 1977.

Ông Rubio, sau khi đến San Salvador trong chặng tiếp theo của chuyến công du Mỹ Latinh, đã gọi Tổng thống Mulino là một người bạn của Mỹ và Panama là đối tác cũng như đồng minh mạnh mẽ. Ông cho biết chuyến thăm đã đạt được "những điều có tiềm năng rất tốt".

"Chúng tôi không muốn có một mối quan hệ thù địch hay tiêu cực với Panama", ông Rubio nói.

Ông Ryan Berg, giám đốc Chương trình châu Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington, cho biết cuộc kiểm toán có thể mở ra cách để hủy bỏ các nhượng quyền nếu thấy các thỏa thuận này bị ảnh hưởng bởi tham nhũng.

"Điều này cung cấp thêm cơ sở pháp lý cho Panama để thoát khỏi các nhượng quyền và mở lại chúng, để một công ty Mỹ hoặc công ty châu Âu có thể tham gia và giành được hợp đồng", ông Berg nói thêm.

Theo Guardian