1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bão lớn có thể thổi bay đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông

(Dân trí) - Trung Quốc có thể ngang ngược không công nhận phán quyết của tòa trọng tài về “đường chín đoạn”, nhưng có thể khuất phục trước sức mạnh của tự nhiên khi bão lớn đe dọa đến các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây trái phép ở Biển Đông, tờ Quartz của Mỹ nhận định.


Biển Đông thường đón nhiều đợt bão trong mùa hè. (Ảnh minh họa: Quartz)

Biển Đông thường đón nhiều đợt bão trong mùa hè. (Ảnh minh họa: Quartz)

Siêu bão Nida đang di chuyển qua Biển Đông sau khi càn quét Philippines cuối tuần qua và theo sự báo sẽ đổ bộ vào Hong Kong từ đêm 1/8. Sức mạnh của siêu bão này có thể tàn phá, thổi bay các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông.

Đó là bởi vì vài năm trước, Trung Quốc vội vã xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông với nhiều tòa nhà, đường băng, hải đăng và thậm chí một trang trại để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý ở đây.

Hoạt động cải tạo, xây dựng này của Trung Quốc đã bị tòa trọng tài quốc tế của Liên Hợp Quốc lên án trong phán quyết đưa ra hôm 12/7 vừa qua. Bắc Kinh đến nay vẫn ngang ngược tuyên bố không công nhận phán quyết của tòa.

Tuy nhiên, theo bình luận của Quartz, Trung Quốc có thể trắng trợn không công nhận phán quyết, song có thể phải chịu khuất phục trước sức mạnh của bão, sóng và nước biển dâng khi cố xây dựng các cơ sở hạ tầng trên những vỉa đá ngầm mong manh dễ bị phá hủy.

Thực tế, chỉ vài tháng sau khi xây trái phép đảo nhân tạo trên Đá Chữ thập ở Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã phải tu một góc đảo bị sụt xuống biển, ảnh vệ tinh cho thấy.


Trung Quốc ngang nhiên xây dựng nhiều công trình trên Đá Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc ngang nhiên xây dựng nhiều công trình trên Đá Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: Reuters)

Các rạn san hô thường là thực thể hứng trọn sức mạnh từ các đợt sóng lớn và các cấu trúc trên nền của nó cũng hứng chịu dư chấn với cường độ tương tự. Môt nghiên cứu của tạp chí Nature Communications công bố năm 2004 cho thấy các rạn san hô có lợi ích rất lớn trong việc giảm thiểu thiên tai cho cư dân ven biển. Cụ thể, trung bình chúng có thể làm giảm 97% sức mạnh của sóng.

Thêm vào đó, nếu nước biển dâng các rạn san hô bị phá hủy có thể không còn khả năng thực hiện các điều chỉnh tự nhiên và khiến các công trình xây dựng bên trên bề mặt trở nên suy yếu.

Trong mùa hè, Biển Đông thường hứng các trận bão hoặc thậm chí siêu bão. Một thực thể như Đá Chữ thập vốn không chắc chắn trong điều kiện bình thường, một trận siêu bão với sức gió lên tới 185km/h và sóng cao tới 6m có thể thổi bay các công trình xây dựng ở đây hoặc ít nhất sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng.

Nhiều cấu trúc trên đảo mà Trung Quốc xây dựng trái phép đang phải đối mặt với cơn bão đầu tiên trong mùa. Bão Nida dự kiến sẽ mạnh lên khi qua Biển Đông trước khi đổ bộ vào đất liền Trung Quốc.

Minh Phương

Theo Quartz