1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ sẽ điều máy bay ném bom tới đảo Guam, bao quát toàn Biển Đông

(Dân trí) - Lần đầu tiên trong một thập kỷ qua, Mỹ sẽ triển khai phi đội máy bay ném bom tầm xa B-1 Lancer tới căn cứ ở đảo Guam, với tầm bao quát vươn xa tới khu vực Biển Đông.

Máy bay ném bom tầm xa B-1 Lancer của Mỹ (Ảnh: Sputnik)
Máy bay ném bom tầm xa B-1 Lancer của Mỹ (Ảnh: Sputnik)

Theo Japantimes, Mỹ sẽ điều các máy bay ném bom tầm xa B-1 Lancer từ căn cứ không quân Ellsworth ở bang South Dakota tới căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam để thay thế các “pháo đài bay” B-52 đang đồn trú tại đây. Thông báo của Không quân Mỹ cho biết, các máy bay ném bom B-1 sẽ được triển khai cùng 300 thành viên trong tổ bay bắt đầu từ ngày 6/8 tới.

Việc đưa phi đội bay B-1 tới đảo Guam, vị trí cách Biển Đông hơn 3.200 km, là kế hoạch được thực hiện lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua nhằm duy trì sự hiện diện liên tục của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Các đơn vị máy bay ném bom B-1 mang đến một triển vọng khác biệt với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động và tác chiến từ Bộ Tư lệnh trung ương tới Thái Bình Dương”, thông báo của Không quân Mỹ viết. “Các máy bay B-1 sẽ cung cấp khả năng tấn công toàn cầu cực nhanh, giúp đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu và cam kết ngăn chặn, hỗ trợ các nước đồng minh, tăng cường an ninh và ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Sputnik cho hay, với tầm hoạt động lên tới 5.100 hải lý, các máy bay ném bom tầm xa B-1 có thể bao quát toàn bộ khu vực Biển Đông, nơi Mỹ đang tiến hành nhiều hoạt động tuần tra hàng hải và hàng không để đảm bảo tự do hàng hải tại vùng biển này. Dự kiến, ít nhất 60% lực lượng không quân và hải quân Mỹ sẽ được triển khai tới khu vực Thái Bình Dương từ nay tới năm 2020. Đây là một phần trong chiến lược “xoay trục” sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Kế hoạch triển khai phi đội máy bay ném bom của Washington tới đảo Guam diễn ra trong bối cảnh tình hình căng thẳng trên Biển Đông chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” sau khi Tòa trọng tài thường trực theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ngày 12/7 ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” phi lý do Trung Quốc tự ý vẽ ra tại Biển Đông. Trung Quốc đến nay vẫn ngang nhiên không công nhận phán quyết của tòa và phản đối các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ tại Biển Đông.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm