1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Chuyên gia: Trung Quốc cố tình đi ngược luật pháp quốc tế ở Biển Đông

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia quốc tế đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông trong khi thế giới đang tập trung chiến đấu đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Chuyên gia: Trung Quốc cố tình đi ngược luật pháp quốc tế ở Biển Đông - 1

Một bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc xây đường băng phi pháp trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: Planet Labs)

Dù đối mặt với sự lây lan của đại dịch Covid-19, Trung Quốc vẫn không giảm các hoạt động ở Biển Đông. Thay vào đó, tham vọng bành trướng nhiều năm qua của Trung Quốc vẫn gia tăng, New York Times (NYT) dẫn lời các nhà phân tích quân sự cho biết.

Kể từ tháng 1, khi dịch Covid-19 bắt đầu lây lan, chính phủ Trung Quốc và các tàu hải cảnh nước này, cùng với lực lượng dân quân biển, vẫn hoạt động mạnh trên các vùng biển ở Biển Đông, va chạm với các cơ quan thực thi hàng hải khu vực và quấy rối các ngư dân, NYT viết.

Hồi tháng trước, Trung Quốc đã khánh thành 2 trạm nghiên cứu trái phép mới trên các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Các đảo nhân tạo này cũng được trang bị vũ khí phòng thủ và các đường băng quân sự.

Hồi cuối tuần qua, chính phủ Trung Quốc đã thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

"Trung Quốc cố tình vi phạm luật pháp quốc tế"

“Đó là một chiến lược có chủ ý của Trung Quốc nhằm cố gắng lợi dụng tối đa điều mà họ xem là một khoảnh khắc mất tập trung và sự sụt giảm khả năng của Mỹ để gây sức ép đối với các láng giềng”, NYT dẫn lời Peter Jennings, một cựu quan chức quốc phòng Australia và hiện là giám đốc điều hành Viện chính sách chiến lược Australia, nhận định.

Giáo sư Alexander Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye tại Honolulu, Hawaii (Mỹ), cho rằng “dường như thậm chí khi đang chiến đấu với đại dịch, Trung Quốc vẫn nuôi các mục tiêu chiến lược lâu dài”.

“Trung Quốc muốn tạo ra một điều bình thường mới ở Biển Đông, nơi họ muốn kiểm soát và hành động để trở nên ngày càng hung hăng hơn”, chuyên gia trên nhấn mạnh.

Trong bối cảnh các căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã ra một tuyên bố hối thúc Trung Quốc “tập trung vào việc hỗ trợ các nỗ lực quốc tế nhằm chiến đấu với đại dịch Covid-19 toàn cầu và chấm dứt việc lợi dụng sự mất tập trung hoặc dễ bị tổn thương của các quốc gia khác để mở rộng yêu sách phi pháp trên Biển Đông”.

Trung Quốc đơn phương đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, chồng lấn lên các tuyên bố chủ quyền của các quốc gia khác trong khu vực. Một tòa án quốc tế đã bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển này, nhưng Bắc Kinh không công nhận phán quyết và thay vào đó gia tăng xây dựng các căn cứ hải quân trên các đảo nhân tạo mà nước này chiếm đóng và hiện đang kiểm soát trái phép.

Ông Bill Hayton, chuyên gia về Biển Đông tại Chatham House, một tổ chức nghiên cứu của Anh, cũng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các hành động gần đây của Trung Quốc.

“Không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với các thực thể ngập nước trừ khi chúng nằm trong vùng lãnh hải 12 hải lý. Trung Quốc không hiểu điều này hay cố tình vi phạm luật pháp quốc tế?”, AFP dẫn lời ông Hayton.

“Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), vốn đã nói rõ những điều mà các nước có thể hay không thể tuyên bố chủ quyền. Nhưng Trung Quốc dường như cố tình đi ngược UNCLOS bằng cách khẳng định chủ quyền ở những nơi rất xa”, chuyên gia Bill Hayton nhấn mạnh.

Mỹ lên tiếng mạnh mẽ

Chuyên gia: Trung Quốc cố tình đi ngược luật pháp quốc tế ở Biển Đông - 2

Hai tàu chiến USS America (trái) và USS Bunker Hill của Mỹ hoạt động trên Biển Đông ngày 18/4 (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Mặc dù Mỹ không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng hải quân Mỹ đã duy trì hòa bình trên các vùng biển này trong nhiều thập niên qua. Các quan chức quân đội Mỹ đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về sự gia tăng quân sự hóa vùng biển.

Reuters dẫn thông báo ngày 21/4 của hải quân Mỹ đưa tin, hai tàu chiến của nước này đang ở Biển Đông, tại khu vực gần với một tàu khảo sát của Trung Quốc và một tàu Malaysia. 

“Thông qua sự hiện diện hoạt động liên tục ở Biển Đông, chúng tôi đang phối hợp với các đồng minh và đối tác của mình để thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không, và các nguyên tác quốc tế để thúc đẩy an ninh và thịnh vượng đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”, bà Nicole Schwegman, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương của Mỹ cho biết. “Mỹ ủng hộ nỗ lực của các đồng minh và đối tác nhằm khẳng định các lợi ích kinh tế hợp pháp của họ”.

Bộ chỉ huy Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ không tiết lộ địa điểm chính xác của hai tàu chiến Mỹ, nhưng xác nhận rằng hai tàu này đang ở Biển Đông.

Ngày 21/4, hải quân Mỹ đã đăng tải hình ảnh 2 tàu chiến lên Twitter, với sự hộ tống của một tàu thứ 3 - một tàu khu trục có tên gọi Barry, cho biết nhóm tàu tấn công này đang hoạt động để “hỗ trợ an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”.

Một tàu tuần dương của Australia, Parramatta, cũng đang tham gia cùng các tàu hải quân Mỹ trong khuôn khổ một hoạt động đã được lên kế hoạch từ trước, theo các chuyên gia quốc gia quốc phòng. Ông Jennings, cựu quan chức quốc phòng Australia, cho hay sự triển khai của Parramatta đã được lên kế hoạch ít nhất 1 năm trước.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng sự hiện diện của các tàu Mỹ không có tác dụng gì nhiều trong việc bác bỏ các luận điệu của Trung Quốc. NYT cho hay, một số chính phủ khu vực đã bày tỏ lo ngại rằng Mỹ thường chỉ hiện diện trong thời gian ngắn tại các điểm nóng rồi rời đi, khiến họ phải đối mặt với một Trung Quốc ngày càng hung hăng.

“Ý định của Mỹ ở đây là gì?”, Ian Storey, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện ISEAS-Yusof Ishak Institute, một tổ chức nghiên cứu ở Singapore, đặt câu hỏi. “Chỉ để nói ‘Chúng tôi đang ở đây’ hay họ đang theo dõi tàu khảo sát của Trung Quốc để cố gắng ngăn chặn nó hoạt động?”.

An Bình

Theo NYT, AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm