Báo Mỹ: Lãng phí 3 phút nếu xem video tuyên truyền Biển Đông sai trái của Trung Quốc
(Dân trí) - Từ cuối tuần trước, Trung Quốc đã trắng trợn chạy đoạn video tuyên truyền sai trái về Biển Đông tại màn hình quảng cáo ở Quảng trường Thời đại của Mỹ. Truyền thông quốc tế, trong đó có báo chí Mỹ, đã lên tiếng chỉ trích, thậm chí chính nhân vật trong video cũng lên tiếng bức xúc.
Phí 3 phút cuộc đời
Tờ Buzz Feed của Mỹ cho biết, từ cuối tuần trước, Trung Quốc đã trắng trợn chạy đoạn video trên Quảng trường Thời Đại của Mỹ để nêu những đòi hỏi chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông và để biện hộ cho những hành động phi pháp của nước này tại vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền, đặc biệt là sau khi tòa trọng tài ra phán quyết bác "đường chín đoạn".
Đoạn video dài 3 phút 2 giây, được chiếu trên màn hình quảng cáo ở Quảng trường Thời đại từ ngày 23/7 và dự kiến kéo dài đến ngày 3/8 với tần suất chạy 120 lần/ngày.
Buzz Feed dẫn thông tin trên trang tin nhà nước CRI của Trung Quốc nói rằng, đoạn video “nhằm thu hút sự chú ý của đám đông chụp selfie, bắt Pokemon” để tuyên truyền các thông tin sai trái về lịch sử, bằng chứng chủ quyền ở Biển Đông.
Tuy nhiên, tờ báo bình luận, phụ đề dày đặc khiến người ta khó lòng mà đọc được từ xa, trong khi hình ảnh lại quá nhàm chán. Thậm chí tờ báo còn đưa ra một cảnh báo khá hài hước: “Nếu hiện giờ bạn có ý định xem đoạn video này thì chúng tôi xin cảnh báo bạn sẽ lãng phí 3 phút 2 giây cuộc đời”.
Theo New York Times, Trung Quốc thuê màn hình quảng cáo lớn ở Quảng trường Thời đại của Mỹ từ năm 2011 với giá khoảng từ 300.000-400.000 USD/tháng.
Nghị sĩ Anh bức xúc vì bị đưa vào video
Nữ nghị sĩ Anh Catherine West xuất hiện trong đoạn video. (Ảnh: Youtube)
Trong một diễn biến có liên quan, trong đoạn video tuyên truyền về những đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông, Trung Quốc đã thêm vào đoạn phỏng vấn nữ nghị sỹ Anh Catherine West. Tuy nhiên, sau khi đoạn video được phát đi, bà West đã bày tỏ sự bất bình khi phía Trung Quốc đã cắt ghép và chỉnh sửa đoạn phát biểu của mình.
Trong đoạn video, có nhiều hình ảnh về các khu vực ở Biển Đông, cũng như các đoạn phỏng vấn những người có quan điểm ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi phóng viên của trang tin Quartz thông báo với bà West, người cũng đang giữ cương vị phụ trách các vấn đề đối ngoại thuộc Công đảng Anh, về nội dung đoạn phát biểu của bà trong đoạn video này, nữ nghị sĩ này đã rất bất ngờ.
Thư ký báo chí của bà West, ông Matthew Whitty, cho biết nữ nghị sỹ này đã trả lời phỏng vấn đôi lần ở Bắc Kinh khi tham dự Diễn đàn Đảng phái Chính trị Cấp cao giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc lần thứ 5 hồi tháng 5 vừa qua. Đoạn phỏng vấn được sử dụng trong video về Biển Đông phát tại Quảng trường Thời Đại được khai thác từ một trong những đoạn phỏng vấn này.
Trong đoạn video được phát tại Mỹ, bà West nói: "Tôi nghĩ quá trình đàm phán đóng vai trò quan trọng. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải cẩn thận và chúng ta cần giải quyết vấn đề theo hướng khu vực và theo phương thức đối thoại".
Bình luận trên của bà West nghe có vẻ hợp lý đối với những ai tham gia sản xuất và công bố đoạn video ở Quảng trường Thời đại của Mỹ vì Bắc Kinh muốn tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông được giải quyết thông qua đàm phán song phương giữa nước này với các bên liên quan trực tiếp. Điều mà Trung Quốc không muốn chính là sự can dự từ phán quyết của tòa trọng tài, một phán quyết mà Bắc Kinh đã bác bỏ dù Trung Quốc đã tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển 1982.
Trong thư gửi trang tin Quartz, bà West cho biết đoạn phát biểu của mình đã bị chỉnh sửa. Bà khẳng định mình chỉ nói rằng: "Tôi coi đàm phán đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoà bình trong khu vực và phán quyết của tòa cũng tạo cơ hội để các bên có thể giải quyết bất đồng".
Trong khi đó, thư ký báo chí Whitty của bà West cũng bày tỏ sự ngạc nhiên về những tuyên bố của nữ nghị sỹ này trong đoạn video. Ông này khẳng định bà West đã bày tỏ lo ngại về quá trình quân sự hoá mà Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông, nhưng không hiểu vì lý do gì mà đoạn phỏng vấn lại được chỉnh sửa theo hướng nữ nghị sỹ Anh "ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh".
Ngọc Anh - Minh Phương
Tổng hợp