1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Báo Anh: Trung Quốc vận động hành lang kế hoạch hòa bình 6 điểm cho Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Truyền thông Anh nói rằng Trung Quốc dường như đã đề xuất kế hoạch hòa bình 6 điểm cho cuộc xung đột ở Ukraine và đẩy mạnh việc kêu gọi các nước ủng hộ đề xuất này.

Báo Anh: Trung Quốc vận động hành lang kế hoạch hòa bình 6 điểm cho Ukraine - 1

Chiến sự Nga - Ukraine đã kéo dài tới năm thứ 3 (Ảnh: Reuters).

Reuters dẫn nguồn tin từ 10 nhà ngoại giao cho hay, Trung Quốc được cho đã đẩy mạnh đề xuất một kế hoạch hòa bình của riêng họ cho xung đột Nga - Ukraine.

Động thái của Trung Quốc diễn ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine dự kiến tổ chức cuối tuần này ở Thụy Sĩ. Trung Quốc tuyên bố không tham gia sự kiện này vì không có sự góp mặt của Nga, một bên trong cuộc xung đột.

Một nhà ngoại giao nói với Reuters rằng, động thái của Trung Quốc dường như là một động thái "từ chối một cách tinh tế" với hội nghị ở Thụy Sĩ.

Trung Quốc chưa bình luận về thông tin này.

Có khoảng 90 quốc gia và tổ chức đã đăng ký tham dự hội nghị hòa bình vào ngày 15-16/6 ở Thụy Sĩ. Đại diện các bên sẽ thảo luận về đề xuất hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, bao gồm điều khoản Nga phải rút quân hoàn toàn.

Nga tuyên bố sự vắng mặt của nước này khiến hội nghị trở nên vô nghĩa.

Trung Quốc cho đến nay vẫn duy trì quan điểm trung lập trong cuộc chiến Nga - Ukraine và nhiều lần kêu gọi các bên tìm ra giải pháp hòa bình.

Sau khi Trung Quốc nói rằng họ sẽ không tham gia hội nghị ở Thụy Sĩ, ông Zelensky đã cáo buộc Bắc Kinh giúp Nga phá hoại sự kiện. Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ điều này.

Theo các nguồn tin trao đổi với Reuters, trong cuộc trò chuyện với các quốc gia đang phát triển, Trung Quốc dường như không công khai chỉ trích hội nghị thượng đỉnh Thụy Sĩ hay trực tiếp yêu cầu các nước không tham gia.

Nhưng một nguồn tin nhận định, Bắc Kinh có thể đã nói với các nước đang phát triển rằng hội nghị có nguy cơ làm cuộc xung đột kéo dài. Hai nhà ngoại giao cho hay, Trung Quốc đã nói với các nước phương Tây rằng nhiều nước đang phát triển đồng tình với quan điểm của Bắc Kinh về hội nghị.

Tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho hay: "Trung Quốc chân thành hy vọng rằng một hội nghị hòa bình sẽ không biến thành một nền tảng được sử dụng để tạo ra sự đối đầu giữa các khối. Không tham dự không có nghĩa là Trung Quốc không ủng hộ hòa bình".

Theo các nguồn tin, khi hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ đến gần, Trung Quốc đã tăng cường tiếp cận các quốc gia thông qua các cuộc gặp gỡ với các quan chức nước ngoài đến thăm, gọi điện và nhắn tin cho các cơ quan đại diện nước ngoài trên nền tảng WeChat của Trung Quốc.

Các nhà ngoại giao cho biết, đặc phái viên của Bắc Kinh về các vấn đề Á-Âu, ông Li Hui, vào tháng 5 đã đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Ả-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đồng thời đã gặp các quan chức của các nước đang phát triển tại đại sứ quán của họ ở Bắc Kinh.

Trong khi giải thích lý do tại sao sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh, Trung Quốc đã vận động các quốc gia đang phát triển ủng hộ kế hoạch hòa bình 6 điểm của nước này.

Đề xuất này kêu gọi một hội nghị hòa bình quốc tế "được tổ chức vào thời điểm thích hợp được cả Nga và Ukraine công nhận, với sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên cũng như thảo luận công bằng về tất cả các kế hoạch hòa bình".

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gợi ý rằng Trung Quốc có thể sắp xếp một hội nghị như vậy. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch của Trung Quốc nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình, đồng thời nói rằng Bắc Kinh hoàn toàn hiểu rõ nguyên nhân đằng sau cuộc xung đột.

Tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, 45 quốc gia đã bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất này, với hơn 20 quốc gia tham gia hoặc "cân nhắc nghiêm túc".

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine