1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Anh huấn luyện phi công Ukraine lái chiến đấu cơ chuẩn NATO

Minh Phương

(Dân trí) - Anh chuẩn bị huấn luyện cho phi công và lính thủy quân lục chiến Ukraine và cấp cho Kiev vũ khí tầm xa hơn.

Anh huấn luyện phi công Ukraine lái chiến đấu cơ chuẩn NATO - 1

Máy bay Typhoon có trong biên chế của Không quân Hoàng gia Anh (Ảnh minh họa: Getty).

Reuters dẫn thông cáo của Văn phòng Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 8/2 cho biết, Anh sẽ "tăng cường chương trình huấn luyện cho quân đội Ukraine, trong đó có đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu để đảm bảo Ukraine có thể bảo vệ tốt không phận trong tương lai".

Chương trình huấn luyện giúp phi công của Ukraine có thể lái các máy bay chiến đấu phức tạp theo tiêu chuẩn của NATO. Phía Anh không nêu cụ thể loại máy bay chiến đấu mà họ sẽ huấn luyện cho quân nhân Ukraine và khi nào chương trình bắt đầu. Hiện tại, Không quân Hoàng gia Anh được biên chế máy bay Typhoon và F-35.

Ngoài ra, London sẽ hỗ trợ huấn luyện ngay lập tức cho lính thủy quân lục chiến Ukraine.

Chính quyền của Thủ tướng Sunak cũng cung cấp cho Ukraine các khí tài tầm xa hơn so với những vũ khí đã viện trợ trước đó. Điều này sẽ "làm gián đoạn khả năng của Nga tập kích liên tục các hạ tầng ở Ukraine, đồng thời giảm sức ép cho các chiến tuyến của Ukraine". Tuy nhiên, thông cáo không nêu cụ thể liệu khí tài đó là gì.

Anh huấn luyện phi công Ukraine lái chiến đấu cơ chuẩn NATO - 2

Thủ tướng Anh Rishi Sunak đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại sân bay ở London ngày 8/2 (Ảnh: Reuters).

Những thông tin trên được đưa ra ngay trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Anh hôm nay 8/2. Đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra cách đây gần một năm.

Máy bay vận tải C-17 của Không quân Hoàng gia Anh được cho là chở ông Zelensky đã hạ cánh xuống sân bay Stansted, phía bắc London. Nhà lãnh đạo Ukraine sau đó được hộ tống bằng ô tô đến dinh Thủ tướng Anh.

Sau cuộc gặp với Thủ tướng Sunak, ông Zelensky có bài phát biểu trước các nghị sĩ Anh. Nhân dịp này, ông đã dành lời cảm ơn đến chính phủ và người dân Anh vì sự hỗ trợ thời gian qua và trong tương lai.

"London đã sát cánh cùng Kiev ngay từ ngày đầu (xung đột), từ những giây, những phút đầu tiên. Các bạn đã chìa cánh tay ra khi thế giới còn phân vân phải làm thế nào. Xin cảm ơn", ông Zelensky nói.

Anh huấn luyện phi công Ukraine lái chiến đấu cơ chuẩn NATO - 3

Ông Zelensky phát biểu trước các nghị sĩ Anh tại Westminster Hall, London (Ảnh: AFP).

Theo kế hoạch, ông Zelensky sẽ diện kiến Vua Charles III vào cuối ngày hôm nay trước khi tới Brussels để dự hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) ngày 9/2.

Chuyến công du là một phần trong nỗ lực của ông nhằm kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây tăng cường viện trợ quân sự khi xung đột Nga - Ukraine được cho là đang ở giai đoạn quyết định.

Cuối tháng trước, Mỹ và một loạt đồng minh phương Tây cam kết cấp xe tăng hạng nặng hiện đại như Abrams, Challenger, Leopard 2 cho Ukraine. Tuy nhiên, Đức, Đan Mạch và Hà Lan hôm qua ra tuyên bố chung cho biết, họ sẽ tân trang ít nhất 100 xe tăng Leopard 1 trong kho để cung cấp cho Ukraine trong những tháng tới.

       Các mốc chính trong chiến sự Nga - Ukraine

Tháng 2/2022: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.

Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.

Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.

Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov. Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.

Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk. Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.

Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.

Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ. Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.

Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.

Ngày 8/10, cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm. Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.

Tháng 11: Sau khi bị Ukraine cắt đứt đường tiếp tế hậu cần, Nga buộc phải rút quân khỏi thành phố Kherson ở chiến trường miền Nam về bờ phía đông sông Dnipro.

Tháng 12: Tiền tuyến không có nhiều sự thay đổi lớn. Nga phải đối mặt với nhiều vụ tấn công nhằm vào cơ sở quân sự sâu trong lãnh thổ. Moscow cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ việc.

Tháng 1/2023: Nga dồn lực tấn công vào chiến trường miền Đông, quyết kiểm soát các khu vực trọng yếu từ tay Ukraine, đặc biệt là Bakhmut. Nga đã giành được một số khu vực lân cận, tạo thế gọng kìm quanh Bakhmut.

Phương Tây viện trợ các xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Trước đó, Mỹ và các nước châu Âu đã hỗ trợ Kiev nhiều khí tài, như hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS.

Theo Military, Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine