1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ấn Độ có thể trả đũa cứng rắn sau đụng độ đổ máu với Trung Quốc

(Dân trí) - Giới quan sát cho rằng Ấn Độ có thể thay đổi chính sách đối ngoại với Trung Quốc và chọn phương án đáp trả cứng rắn sau khi New Delhi mất 20 quân nhân trong đụng độ đẫm máu với Trung Quốc ở biên giới.

Ấn Độ có thể trả đũa cứng rắn sau đụng độ đổ máu với Trung Quốc  - 1

Xe quân sự Ấn Độ tiến đến gần biên giới với Trung Quốc (Ảnh: AFP)

Mặc dù Ấn Độ và Trung Quốc đã chính thức đồng thuận sẽ giảm căng thẳng sau vụ đụng độ đẫm máu ở biên giới 2 nước hồi đầu tuần, giới truyền thông và giới quan sát cho rằng New Delhi có nhiều phương án để có thể đáp trả Bắc Kinh.

Truyền thông New Delhi đưa tin rằng các quân nhân Ấn Độ dường như đã bị tấn công bằng gậy, ném đá và các thanh sắt hàn đinh nhọn lên trên ở Galwan, Ladakh. Cái chết của 20 quân nhân Ấn Độ hôm 15/6 đã khiến dư luận nước này gia tăng kêu gọi các động thái ứng phó cứng rắn với Bắc Kinh.

Khi thi thể của các quân nhân được hồi hương, đài truyền hình địa phương chiếu hình ảnh người dân tới đưa tiễn, tưởng nhớ và biểu tình ở một số thành phố.

Hình ảnh một nhóm người dân Ấn Độ ở Gujarat đập vỡ một vật được cho là tivi thương hiệu Trung Quốc đã lan truyền trên mạng internet. Bộ trưởng Tư pháp Xã hội liên bang Ramdas Athawale kêu gọi một lệnh cấm các nhà hàng bán đồ ăn Trung Quốc.

Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Kings (Anh) Harsh Pant, cho rằng vụ đụng độ chết người được xem là điểm mấu chốt có thể thay đổi quan hệ Trung - Ấn.

“Chính sách Trung Quốc của Ấn Độ hiện dựa trên giả định rằng New Delhi có thể theo đuổi mối quan hệ ở quy mô rộng (với Trung Quốc) và không xoáy sâu vào vấn đề về biên giới. Giả định trên có thể bị thay đổi với vụ việc lần này. Bạn không thể có quan hệ bình thường với Trung Quốc khi biên giới của bạn đang âm ỉ mâu thuẫn”, ông Pant cho hay.

Theo giới chức Ấn Độ, New Delhi và Bắc Kinh vẫn đang duy trì liên lạc và tìm cách giải quyết vấn đề với mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng.

Trong khi chính phủ Ấn Độ chưa bày tỏ bất cứ quan điểm chính thức nào về chiến lược đối phó với Trung Quốc, truyền thông nước này đã dẫn một số nguồn tin nói rằng New Delhi đang cân nhắc việc hạn chế các lợi ích về kinh tế của Trung Quốc ở nước này. Động thái này có thể bao gồm việc Ấn Độ yêu cầu các nhà cung cấp viễn thông không sử dụng thiết bị Trung Quốc trong các dự án cơ sở hạ tầng.

Trong một động thái gần nhất, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan cho biết nước này đã quyết định hủy hợp đồng đường sắt với một công ty Trung Quốc và gọi đây là “loạt đạn” đầu tiên Ấn Độ đáp trả sau cuộc giao tranh giữa 2 nước ở Galwan.

Thay đổi chiến lược

Trong 6 năm qua, Ấn Độ đã áp dụng cách tiếp cận khá linh hoạt với Trung Quốc. Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình 18 lần, cùng 2 hội nghị thượng đỉnh phi chính thức. Trong suốt thời gian đó, các nhà ngoại giao Ấn Độ đã nhấn mạnh cách tiếp cận nhằm củng cố quan hệ song phương với Trung Quốc hơn là tập trung vào các chủ đề “gai góc” liên quan tới tranh chấp chủ quyền.

Tuy nhiên, nhà phân tích chính trị Madhav Das Nalapat tại Đại học Manipal (Ấn Độ) tin rằng cách tiếp cận này sẽ thay đổi.

Trong khi đó, chuyên gia Pant dự đoán Ấn Độ sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ trong chiến lược đối ngoại. “Trước đây, Ấn Độ dường như mắc kẹt trong thế khó khi phải duy trì sự cân bằng trong quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, sự kiện ở Galwan đã giải phóng chính sách đối ngoại của New Delhi, theo một cách nào đó”, ông Pant nhận định.

Một trong những phương án “chơi rắn” của Ấn Độ có thể là buộc Trung Quốc phải trả giá bằng thiệt hại về kinh tế, theo ông Pant.

“Ấn Độ bây giờ có thể từ bỏ thương vụ 5G (cho phép tập đoàn Huawei của Trung Quốc tham gia vào xây mạng 5G của Ấn Độ). Chúng ta có thể chứng kiến các công ty Trung Quốc đã bị khước từ và New Delhi cũng đã có các hạn chế với các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Xu hướng này có thể tiếp tục xảy ra”, ông Pant nhận định.

Ấn Độ hiện thời có thể cân nhắc sự thay đổi về chiến lược địa chính trị. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, Washington bày tỏ kế hoạch sẽ xây dựng liên minh G7 mở rộng với sự góp mặt của Ấn Độ, động thái được xem nhằm đối phó với Bắc Kinh hậu Covid-19.

Vụ việc ngày 15/6 được xem có thể là chất xúc tác giúp khiến Ấn Độ cân nhắc nghiêm túc về lời đề nghị của Mỹ. New Delhi cũng có thể cân nhắc về việc tham gia tích cực hơn vào chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu nhằm đối phó với tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang trong “Bộ tứ Kim cương” với Mỹ, Nhật Bản và Australia và nhóm này cũng dự kiến sẽ mời thêm các quốc gia khác tham gia cùng. Đây là dấu hiệu cho thấy Ấn Độ có thể sẽ nghiêng về phía Mỹ nhiều hơn trong tương lai thay vì cân bằng chính sách giữa đối ngoại giữa Washington và Bắc Kinh.

Căng thẳng biên giới chưa thể hạ nhiệt

Vấn đề biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa thể giải quyết được trong nhiều năm qua khi 2 bên đều tuyên bố chủ quyền với một vùng lãnh thổ.

Cả New Delhi và Bắc Kinh đều tích cực trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở 2 bên đường kiểm soát Trung - Ấn (LAC) và các chuyên gia dự đoán hoạt động quân sự hóa khu vực này sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Một chỉ huy cấp cao của quân đội Ấn Độ nói với SCMP rằng căng thẳng giữa 2 nước dường như sẽ vẫn tiếp diễn.  

Trong khi đó, ông Vinod Bhatia, tướng quân đội Ấn Độ về hưu, cho rằng New Delhi cần tăng cường năng lực quốc phòng một cách khẩn trương.

Trong khi đó, chuyên gia Pant cho rằng kịch bản xung đột ở biên giới Trung - Ấn có thể trở thành “điều bình thường mới”.

Đức Hoàng

Theo SCMP