1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ấn Độ thông hầm chuyển quân chiến lược tới gần biên giới Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Thủ tướng Ấn Độ Modi đã khánh thành đường hầm chiến lược ở khu vực Himalaya, công trình có thể giúp New Delhi giảm thời gian chuyển quân ra gần biên giới Trung Quốc từ vài giờ xuống còn 10 phút.

Ấn Độ thông hầm chuyển quân chiến lược tới gần biên giới Trung Quốc - 1

Thủ tướng Modi (giữa) trong lễ khánh thành hầm Atal (Ảnh: PTI)

Thủ tướng Narendra Modi ngày 3/10 đã khánh thành đường hầm Atal ở Rohtang, tuyến đường có thể đẩy nhanh gấp nhiều lần tốc độ chuyển quân của New Delhi ra các khu vực “điểm nóng” ở gần biên giới Trung Quốc.

Đường hầm này nằm ở bang Himachal Pradesh phía bắc Ấn Độ và thuộc 1 trong 2 tuyến đường chính để điều quân tới các khu vực biên giới ở Ladakh, nơi New Delhi và Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền trong nhiều năm qua.

Căng thẳng Ấn - Trung leo thang sau vụ đụng độ chết người giữa quân đội 2 nước ở Ladakh giữa tháng 6. Kể từ đó, 2 bên tăng cường hoạt động điều động quân sự và khí tài tới khu vực tranh chấp.

Đoạn hầm này cho phép Ấn Độ đưa quân ra các “điểm nóng” trong mọi điều kiện thời tiết. Trước đó, để điều động quân, các đoàn xe của Ấn Độ phải đi một đoạn đường núi vòng vèo dài 50 km, phủ đầy tuyết vào mùa đông và hay xảy ra sạt lở.

Ấn Độ thông hầm chuyển quân chiến lược tới gần biên giới Trung Quốc - 2

Ấn Độ đã dồn lực xây dựng đường hầm chiến lược này trong nhiều năm qua (Ảnh: PTI)

Từ bây giờ, những chuyến vận chuyển kéo dài 4 giờ đồng hồ đầy thách thức sẽ chấm dứt khi đường hầm hiện đại giúp các đoàn xe Ấn Độ chỉ mất 10 phút để xuyên qua núi.

Đường hầm này được thiết kế để phục vụ mật độ giao thông khoảng 3.000 ô tô và 1.500 xe tải mỗi ngày, mỗi chiếc có thể di chuyển với tốc độ tối đa 80 km/h, theo NDTV. Ước tính Ấn Độ đã chi khoảng 400 triệu USD cho dự án này. 

Đoạn hầm nằm ở độ cao hơn 3.000 mét, dài 9 km, được ca ngợi là một thành tựu về mặt kỹ thuật. Ấn Độ đã nhiều năm trời để xây dựng đường hầm trong điều kiện thời tiết lạnh giá và địa hình hiểm trở. Công việc xây dựng chỉ có thể tiến hành trong 6 tháng mỗi năm. Công nhân phải đeo chip siêu nhỏ để định vị trong trường hợp họ bị mắc kẹt hoặc mất tích.

Công trình này là nỗ lực của Ấn Độ trong việc bắt kịp việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng ở phía bên kia biên giới.

Trong 6 năm qua, chính quyền Modi đã đẩy nhanh các dự án xây đường, cầu, đường băng trên địa hình cao.

“Chúng ta đã đặt toàn bộ tâm sức vào phát triển các hệ thống cơ sở hạ tầng biên giới. Quốc gia này chưa từng chứng kiến đường, cầu và đường hầm được xây dựng ở quy mô này”, ông Modi phát biểu hôm 3/10.

“Ngoài giúp người dân địa phương, công trình này sẽ giúp ích to lớn cho quân đội Ấn Độ”, ông Modi nói.