1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ấn Độ bác bỏ định nghĩa về đường LAC năm 1959 của Trung Quốc

Đây được xem là động thái đáp trả của Ấn Độ trước việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây kiên quyết cho rằng nước này lấy đường ranh giới năm 1959 là cơ sở cho đường LAC hiện tại.

Ngày 29/9, Ấn Độ lên tiếng bác bỏ định nghĩa về đường Kiểm soát Thực tế (LAC) mà Trung Quốc đưa ra từ năm 1959 và được nhắc lại mới đây. Phía Ấn Độ cho rằng quan điểm của Trung Quốc là "không có cơ sở và hoàn toàn đơn phương".

Ấn Độ bác bỏ định nghĩa về đường LAC năm 1959 của Trung Quốc - 1

Biên giới Trung Quốc-Ấn Độ (Ảnh: Đa Chiều)

Đây được coi là động thái đáp trả của Ấn Độ trước việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây kiên quyết cho rằng nước này lấy đường ranh giới năm 1959 là cơ sở cho đường LAC hiện tại. Điều này có nghĩa, Trung Quốc muốn chính thức hóa quan điểm riêng về đường ranh giới giữa hai nước, và điều này có thể giúp Bắc Kinh giành lợi thế trong việc giải quyết cuộc đối đầu kéo dài 5 tháng qua tại Đông Ladakh.

Trước đó, trả lời câu hỏi của tờ Hindustan Times, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Trung Quốc tuân thủ theo đường LAC vốn được Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Chu Ân Lai và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru nhắc tới trong 1 bức thư vào ngày 7/11/1959.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết “Ấn Độ không bao giờ chấp nhận cái gọi là Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) được phân định một cách đơn phương năm 1959. Quan điểm này là nhất quán và được thế giới thừa nhận, trong đó có cả Trung Quốc.”

Ông Srivastava cũng nhắc tới một loạt các thỏa thuận song phương để giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ Ấn – Trung, bao gồm: Thỏa thuận năm 1993 về duy trì hòa bình và yên tĩnh dọc đường LAC, Hiệp ước năm 1996 về các biện pháp xây dựng lòng tin (CBMs) và Thỏa thuận năm 2005 về tham biến chính trị và nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề biên giới. Ấn Độ nhấn mạnh rằng hai bên đều đưa ra cam kết để đạt nhận thức chung về vấn đề đường LAC. Và việc Trung Quốc hiện nay khăng khăng cho rằng chỉ có duy nhất một đường LAC là trái với các cam kết chính thức mà nước này đưa ra trong các thỏa thuận song phương đã ký.