1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

80 quốc gia ra tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt xung đột Ukraine - Nga

Minh Phương

(Dân trí) - 80 quốc gia đã ký vào tuyên bố chung sau hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ, kêu gọi các bên đàm phán để chấm dứt xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine.

80 quốc gia ra tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt xung đột Ukraine - Nga - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và một số lãnh đạo quốc tế tại hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ (Ảnh: Reuters).

Kết thúc 2 ngày họp thượng đỉnh tại Thụy Sĩ, 80 trong số hơn 90 quốc gia ngày 16/6 đã ký vào tuyên bố chung kêu gọi các bên đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua giữa Nga và Ukraine.

"Chúng tôi tin rằng việc đạt được hòa bình đòi hỏi sự tham gia và đối thoại giữa tất cả các bên", tuyên bố chung nêu rõ.

Văn bản tái khẳng định cam kết của các bên ký kết về việc "kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, các nguyên tắc về chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia. Tuyên bố chung cũng kêu gọi trao đổi toàn diện tù nhân chiến tranh và trao trả trẻ em bị trục xuất.

Tuyên bố chung nói rằng, "sự tham gia hơn nữa của đại diện tất cả các bên" là cần thiết, đồng thời nhấn mạnh sự thiếu điểm chung của các bên tham gia hội nghị về câu hỏi: Ukraine và Nga nên tìm cách đàm phán hòa bình khi nào và như thế nào.

Một số nhà lãnh đạo thế giới đang kêu gọi đàm phán và thỏa hiệp giữa các bên tham chiến. Ấn Độ, Ả Rập Xê Út, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác đã nhắc lại thông điệp đó tại hội nghị thượng đỉnh.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nêu rõ quan điểm rằng, một nền hòa bình lâu dài ở Ukraine chỉ có thể đạt được khi Nga rút quân hoàn toàn.

Ông nói với các phóng viên hôm 16/6, một khi cộng đồng quốc tế xây dựng một kế hoạch hòa bình dựa trên kết luận của hội nghị thượng đỉnh, "kế hoạch này sẽ được chuyển cho các đại diện của Nga".

Khi được hỏi về triển vọng đàm phán, ông nói: "Nga có thể bắt đầu đàm phán với chúng tôi vào ngày mai mà không cần chờ đợi bất cứ điều gì nếu họ rút hết quân khỏi lãnh thổ của chúng tôi".

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba hôm qua cũng thừa nhận sự cần thiết phải đối thoại với Nga để chấm dứt xung đột. "Tất nhiên, chúng tôi hiểu rất rõ rằng sẽ đến lúc cần phải đàm phán với Nga", nhà ngoại giao hàng đầu của Ukraine nói.

Mặc khác, ông thừa nhận hiện vẫn còn quan điểm trái chiều giữa phương Tây và nhóm quốc gia "Global South" (tạm dịch: Nam bán cầu) về cách thức chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.

"Có những tiếng nói từ nhóm quốc gia Nam bán cầu về việc (Ukraine) cần đưa ra những nhượng bộ khó khăn. Song, đó không phải là điều chúng tôi nghe thấy từ các đối tác phương Tây", ông cho biết.

Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Thụy Sĩ diễn ra ngày 15-16/6 theo đề xuất của Ukraine. Hội nghị tập trung vào các vấn đề như an ninh lương thực, tránh thảm họa hạt nhân và trao trả trẻ em "bị trục xuất".

Sự kiện có sự tham gia của hơn 90 quốc gia, song không có Nga và Trung Quốc. Ukraine và một số nước đang dự tính hội nghị thượng đỉnh thứ hai có sự tham gia của Nga.

Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd nhấn mạnh: "Câu hỏi lớn vẫn là: Làm sao và khi nào Nga có thể tham gia vào tiến trình đàm phán hòa bình. Một giải pháp lâu dài cần sự tham gia của cả 2 bên".

Theo New York Times, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine