1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nhiều quốc gia từ chối ký tuyên bố chung tại hội nghị hòa bình cho Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Chính phủ Thụy Sĩ ngày 16/6 cho biết, nhiều quốc gia từ chối ký tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine.

Nhiều quốc gia từ chối ký tuyên bố chung tại hội nghị hòa bình cho Ukraine - 1

Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine diễn ra tại Thụy Sĩ từ ngày 15 đến 16/6 (Ảnh: Euronews).

Theo tuyên bố từ phía chính phủ Thụy Sĩ, nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh, Ả Rập Xê Út, Ấn Độ, Nam Phi, Thái Lan, Indonesia, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nằm trong số nhóm các quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine nhưng không ký tuyên bố chung.

Ngoài ra, còn có các quốc gia như Armenia, Bahrain, Brazil, Tòa thánh Vatican, Libya, Mexico và Slovakia.

Danh sách các nước ký tuyên bố chung và không ký đã được ban tổ chức hiển thị trên màn hình của trung tâm báo chí tại khu nghỉ dưỡng Buergenstock, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh.

Theo đó, 80 quốc gia và tổ chức, bao gồm Ukraine và 4 tổ chức châu Âu đã ký tuyên bố chung cuối cùng về hội nghị thượng đỉnh hòa bình cho Ukraine, trong đó tập trung vào các vấn đề an toàn hạt nhân, an ninh lương thực và trao đổi tù nhân.

Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine được tổ chức trong 2 ngày 15 và 16/6. Tham dự hội nghị có đại diện của tổng cộng 92 quốc gia. 

Phát biểu trước truyền thông, Tổng thống Zelensky đã cảm ơn Thụy Sĩ tổ chức hội nghị, cũng như bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ mở ra cơ hội thiết lập hòa bình ở Ukraine càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, hội nghị này có thể sẽ có ít tác động cụ thể đến việc kết thúc chiến tranh vì Nga không được mời tham dự. Trung Quốc, vốn cũng không tham dự, cùng với Brazil, chỉ cử quan sát viên tham gia, đã cùng nhau tìm cách vạch ra các con đường thay thế hướng tới hòa bình cho Ukraine.

Hội nghị này cũng nhằm thu hút sự chú ý trở lại cho vấn đề Ukraine sau thời gian cộng đồng quốc tế tập trung nhiều hơn cho cuộc xung đột ở Gaza, các cuộc bầu cử quốc gia và các mối quan tâm khác.

Ba chủ đề về an toàn hạt nhân, an ninh lương thực và trao đổi tù nhân được nêu trong tuyên bố chung. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho hay họ đã đưa ra "những điều kiện tối thiểu" để đàm phán với Nga, ám chỉ rằng còn nhiều vấn đề bất đồng khác giữa Kiev và Moscow, vốn sẽ khó giải quyết hơn.

Theo Euronews