1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

1.000 binh sĩ lực lượng hạt nhân Nga tập trận với siêu tên lửa đạn đạo

Đức Hoàng

(Dân trí) - Lực lượng hạt nhân Nga điều động 1.000 quân nhân tham gia một cuộc tập trận cường độ cao, với sự tham gia của bệ phóng siêu tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars.

1.000 binh sĩ lực lượng hạt nhân Nga tập trận với siêu tên lửa đạn đạo - 1

Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars của quân đội Nga (Ảnh minh họa: Sputnik).

Hãng Interfax ngày 1/6 dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga đưa tin, lực lượng hạt nhân Nga đang tổ chức các cuộc tập trận ở tỉnh Ivanovo, đông bắc thủ đô Moscow.

Theo thông báo, khoảng 1.000 quân nhân đang tham gia tập trận cường độ cao, sử dụng hơn 100 phương tiện, bao gồm bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars.

RS-24 Yars là hệ thống tên lửa chiến lược khai hỏa từ bệ phóng di động hoặc từ hầm ngầm với đa đầu đạn phân hướng (MIRV). 

Theo RT, Yars được trang bị từ 3-6 đầu đạn, có khả năng tấn công các mục tiêu khác nhau ở khoảng cách lên tới 12.000 km. Tên lửa RS-24 Yars lần đầu được thử nghiệm cách đây 14 năm và tên lửa này đã được các lực lượng chiến lược của Nga sử dụng trong 11 năm qua. Yars được xem là một trong những tên lửa đạn đạo liên lục địa chủ lực của quân đội Nga vào thời điểm hiện tại.

Yars là tên lửa đạn đạo uy lực có khả năng thách thức mọi lá chắn phòng không đối thủ. Trang tin Avia pro dẫn một nghiên cứu chỉ ra rằng để vô hiệu hóa được một tên lửa Yars, hệ thống phòng không Aegis của Mỹ sẽ phải phóng ra ít nhất 50 tên lửa đánh chặn.

Ngoài ra, khả năng tấn công từ tầm xa của Yars với quỹ đạo khó lường của nó, sẽ buộc đối phương phải tung ra hàng loạt tên lửa đánh chặn chỉ trong một khu vực phòng thủ. Với khả năng của Yars như vậy, việc phóng nhiều tên lửa này cùng một lúc gần như sẽ khiến các lá chắn phòng không hiện tại không thể đáp trả vì không có đủ tên lửa để chặn.

Cuộc tập trận của lực lượng hạt nhân của Nga diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow và phương Tây liên tục leo thang trong thời gian qua.

Tháng trước, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev nhận định, việc phương Tây dồn vũ khí cho Ukraine trong chiến dịch quân sự với Nga có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột giữa Moscow và NATO. Kịch bản này có thể leo thang trở thành cuộc chiến hạt nhân, ông Medvedev cảnh báo.

"Các nỗ lực của các nước NATO nhằm đưa vũ khí tràn ngập vào Ukraine, huấn luyện quân đội Kiev sử dụng thiết bị của phương Tây, triển khai lính đánh thuê và tổ chức các cuộc tập trận gần biên giới của Nga sẽ làm tăng khả năng xảy ra xung đột trực tiếp và công khai giữa Nga và NATO thay vì cuộc chiến ủy nhiệm hiện tại", ông Medvedev nói.

Ông cảnh báo: "Luôn có nguy cơ một cuộc xung đột như vậy sẽ biến thành một cuộc chiến hạt nhân toàn diện. Đây sẽ là một kịch bản thảm khốc cho tất cả mọi người".

Tổng thống Nga Vladimir Putin từ tháng 2 đã yêu cầu các lực lượng răn đe chiến lược, trong đó có những đơn vị mang vũ khí hạt nhân, cảnh giác cao độ và chuyển sang trạng thái báo động do những hành động "không thân thiện" của NATO.

Phương Tây đã cáo buộc Moscow "đe dọa hạt nhân". Đáp lại cáo buộc này, Nga từng tuyên bố, "không ai ở Nga nghĩ tới việc sử dụng hay thậm chí ý tưởng sử dụng vũ khí hạt nhân". Nga nói rằng, họ sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp "xuất hiện mối đe dọa tới sự tồn tại" của đất nước.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine