1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga hé lộ tính năng giúp siêu tên lửa Sarmat "mạnh nhất thế giới"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga hé lộ tính năng giúp tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat không thể bị đánh chặn trong hàng chục năm tới và trở thành tên lửa "mạnh nhất thế giới".

Nga hé lộ tính năng giúp siêu tên lửa Sarmat mạnh nhất thế giới - 1

Khoảnh khắc tên lửa Sarmat rời bệ phóng (Ảnh: Reuters).

Theo Sputnik, Đại tướng Sergei Karakaev, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga, cho biết, Sarmat, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới nhất của Nga, có thể bay qua Bắc Cực và Nam Cực và dọc theo các quỹ đạo khác.

"Quỹ đạo của Sarmat có khả năng thay đổi. Từ quỹ đạo ở Bắc Cực, nếu cần thiết nó có thể chuyển quỹ đạo sang Nam Cực. Và nó cũng có khả năng di chuyển theo những quỹ đạo khác, bao gồm khả năng phóng vào không gian", ông Karakaev cho biết.

Quan chức này nói rằng, trong vài thập niên tới, sẽ khó có thể tạo ra hệ thống vũ khí đánh chặn được Sarmat.

"Ngày nay, người ta nói rằng, không có lá chắn nào chặn được Sarmat, và có lẽ điều này sẽ đúng trong hàng thập niên tới", ông Karakev nhận định.

Ông giải thích rằng một trong những lý do khiến Sarmat rất khó bị đánh chặn là mặc dù là một tên lửa đẩy động cơ sử dụng nhiên liệu lỏng nhưng nó có khả năng tăng tốc nhanh như tên lửa hạng nhẹ động cơ sử dụng nhiên liệu rắn.

Nga sẽ thử nghiệm Sarmat trong suốt năm nay và quân đội sẽ bắt đầu nhận tên lửa vào mùa thu năm 2022, theo Dmitry Rogozin, người đứng đầu cơ quan vũ trụ nhà nước Nga Roscosmos.

Trong một diễn biến khác, khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình Rossiya-24, người đứng đầu Tập đoàn Vũ trụ Nhà nước Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin tiết lộ, các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat được sản xuất hàng loạt sẽ được đưa vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu vào mùa thu năm nay.

Ông Rogozin cho biết: "Các vụ phóng thử đã được lên kế hoạch để tiến hành trong cả năm, nhưng chúng tôi cũng có kế hoạch đưa các tên lửa được sản xuất hàng loạt đầu tiên vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu vào mùa thu năm nay".

Cuối tháng trước, ông Rogozin tuyên bố rằng Roscosmos sẽ sớm sản xuất 46 ICBM Sarmat.

Ngoài ra, theo ông Sergei Poroskun, Phó Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga, tên lửa Sarmat sẽ ở trong biên chế quân đội nước này trong ít nhất 50 năm vì các tính năng uy lực và độ tin cậy cao.

Tháng trước, Nga thông báo đã thực hiện thành công vụ phóng thử đầu tiên tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở Vùng Arkhangelsk. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố: "Sarmat là tên lửa mạnh nhất với tầm bắn lớn nhất trên thế giới. Nó sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang hạt nhân chiến lược Nga".

Sarmat được phát triển tại Trung tâm Tên lửa Makeyev (thuộc Roscosmos) và được sản xuất tại xí nghiệp Krasmash. Theo các chuyên gia, RS-28 Sarmat có khả năng mang đầu đạn MIRV nặng tới 10 tấn đến bất kỳ điểm nào trên thế giới qua Bắc Cực và Nam Cực.

MIRV hay công nghệ đa đầu đạn phân hướng ám chỉ việc Sarmat có thể phóng nhiều đầu đạn cùng lúc. Tùy thuộc vào chiến thuật, mỗi đầu đạn có thể tấn công các mục tiêu cách hàng trăm km.

Ngoài các đầu đạn, Nga nói rằng Sarmat sẽ được phát triển để mang thiết bị phóng siêu vượt âm Avangard - vũ khí có tốc độ gấp khoảng hơn 20 lần tốc độ âm thanh. Đây được xem là yếu tố khiến nó trở thành một "thế lực" khó cản phá trong kho vũ khí Nga.

Nga thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Theo Sputnik