Bên trong xưởng nặn "ông Táo" cuối cùng ở TPHCM
(Dân trí) - Nằm nép mình dưới chân cầu Rạch Cây (quận 8), xưởng đất nung của ông Tiếp những ngày này luôn tất bật để chuẩn bị "ông Táo" phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Đây cũng là lò đất nung cuối cùng tại TPHCM.
Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu người dân mua bếp lò tăng cao, nhân công tại xưởng sản xuất lò đất của ông Trần Văn Tiếp (61 tuổi, quận 8) phải làm việc liên tục để kịp phục vụ thị trường Tết.
Theo tín ngưỡng dân gian, ngày cúng ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp) là ngày "vua bếp" lên chầu trời báo cáo việc bếp núc, làm ăn và cư xử của gia đình trong năm. Ngoài cúng lễ, nhiều gia đình nhân dịp này thay những "ông Táo" (bếp lò) đã sứt mẻ.
Quá trình làm "ông Táo" được chia làm nhiều công đoạn. Từ khâu chọn đất sét, tạo hình cho đến việc trang trí, mỗi bước đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo. Những người thợ ở đây không chỉ đơn thuần là làm ra sản phẩm, mà còn là những nghệ nhân với tâm huyết gìn giữ một phần văn hóa truyền thống của dân tộc.
"Chúng tôi sử dụng đất sét tự nhiên để tạo ra bếp. Sau khi tạo hình, sẽ mang đi nung ở nhiệt độ cao để đảm bảo độ bền và tính thẩm mỹ. Tuy họa tiết trang trí trên bếp đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa may mắn, tài lộc cho gia chủ", ông Tiếp chia sẻ.
Theo ông Tiếp, đất được sử dụng làm bếp là đất sét, chuyển từ dưới miền Tây lên bằng thuyền. Sau đó được nhào nặn qua nhiều công đoạn để có một chiếc bếp lò chỉnh chu.
Hiện tại, xưởng đất nung này chỉ có 8 người thợ, vài người phụ việc. Những người thợ tại đây đã theo nghề nhiều năm và có tay nghề cao.
Mỗi chiếc bếp đều được nung trong 2 ngày 1 đêm, sau đó người thợ chỉnh sửa lại để đưa đến người dân. Theo đó, bếp đất có giá từ 50.000 đến 150.000 đồng, tùy vào kích thước.
Là đời thứ 3 trong gia đình làm nghề đất nung, bà Đặng Thị Rớt (57 tuổi, quận 6) chia sẻ: "Tôi theo nghề này từ 12 tuổi, cực lắm, làm không quen thì làm không có nổi. Trước đây làm ở ngoài trời chứ không phải làm trong nhà, nắng cắt da thịt, khó chịu lắm. Lúc khó khăn quá không theo được, tôi đổi nghề sang làm gạch bông nhưng cuối cùng làm ăn thua lỗ nên cũng nghỉ. Xin về làm tại xưởng ở đây, thế là tôi cứ theo đến giờ. Chỉ mong nghề này sẽ không mất đi".
Trước đây, dọc hai bờ kênh Lò Gốm, có hàng chục cơ sở sản xuất bếp lò bằng đất nung. Không khí sản xuất, mua bán hết sức tấp nập. Tuy nhiên, như nhiều nghề truyền thống khác, xưởng sản xuất bếp "ông Táo" cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Sự phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã khiến cho nhiều người trẻ không còn mặn mà với nghề truyền thống. Cả xóm với hàng chục hộ sản xuất bếp lò xưa kia giờ chỉ còn lại mỗi gia đình ông Tiếp là vẫn còn đeo đuổi công việc nặng nhọc, suốt ngày lấm lem bùn đất này.
"Năm nay chỉ bán được 2 ngàn cái, những năm trước bán đến 10 ngàn cái. Bếp đất không còn phù hợp ở thị thành nữa, bây giờ chỉ bán được ở vùng trong như các tỉnh Gia Lai, Nha Trang, Lâm Đồng... Công việc này vừa mệt, vừa cực, vừa dơ, tụi trẻ không chịu học thì cũng chẳng biết truyền nghề cho ai", ông Tiếp trăn trở.
Trong những ngày cuối năm, khi mà không khí Tết đang tràn ngập, những sản phẩm tâm huyết từ xưởng lò đất sẽ không chỉ mang lại sự ấm cúng cho mỗi gia đình, mà còn góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu. Đây cũng là vụ cuối cùng trong năm mà xưởng nhà ông Tiếp làm.