1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người cuối cùng “nặn ông Táo” ở Sài Thành!

(Dân trí) - Ông Trần Văn Tiếp, người cuối cùng ở đất Sài thành làm nghề nặn bếp dự định sang năm sẽ đóng cửa lò vì không duy trì được việc chuyên chở nguyên vật liệu.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, bếp dầu, bếp gas, bếp từ… dần thế chỗ của chiếc lò đất trong gian bếp mỗi gia đình. Thế nhưng, vẫn còn những người thu nhập thấp ở ven đô thị hay các vùng quê đun nấu bằng bếp củi, bếp than. Đó là khách hàng của ông Trần Văn Tiếp (thường gọi Năm Tiếp) hơn 30 năm qua.
 
TPHCM sắp xóa sổ nghề “nặn ông Táo”
Ông Năm Tiếp đã duy trì nghề truyền thống này hơn 30 năm
 
Người dân ở gần cầu Rạch Cây (quận 8, TPHCM) vẫn quen gọi ông Năm Tiếp là là người giữ nghề “nặn ông lò” (ông Táo). Đất lò gốm xưa rộng lắm, các cơ sở bếp lò tập trung đông đúc ở bến Phú Định (quận 8). Nhưng rồi Phú Định đô thị hóa, không còn mỏ đất sét, lại thêm nhu cầu dùng bếp lò giảm đi nên các cơ sở lụi tàn dần, chỉ còn một mình ông Năm Tiếp níu giữ lấy nghề và chuyển về chân cầu Rạch Cây. Ông Tiếp kể: “Hồi đó ở đây là mảnh đất ruộng của gia đình tôi. Tôi mở cơ sở lò Sài Gòn, kêu gọi hơn 30 thợ vốn là những người có tâm huyết với nghề ở xóm cũ quy tụ về đây cùng làm”.
 
Không có nguyên liệu tại chỗ, ông Năm Tiếp phải vận chuyển đất sét, vỏ trấu, xơ dừa… từ các tỉnh miền Tây lên bằng đường sông. Rồi ông cải tiến mẫu mã, chất lượng, tìm kiếm thị trường để lò gốm đỏ lửa qua hàng chục năm trời. Trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 300-400 lò đất để xuất đi các tỉnh, nhiều lúc làm không kịp bán. Mới đây, giá gas tăng cao nên nhiều người chuyển sang dùng bếp than, bếp củi, thế nhưng ông chủ lò gốm buồn bã thông báo: “Sang năm tôi đóng cửa lò”.
 
Đó là do một cái cống đang được xây dựng để điều tiết dòng chảy từ phường 13-14-15 sang phường 16, khắc phục một vùng nước tù đọng hôi thối nhiều năm qua. Đồng thời, cái cống đó cũng ngăn cản luôn những chiếc ghe, thuyền chở nguyên vật liệu đến lò gốm của ông Năm Tiếp, chặn đứng “huyết mạch” của lò.
 
Những người không quản khó nhọc gắn bó với nghề nặn ông Táo, sang năm mới sẽ thất nghiệp
Những người không quản khó nhọc gắn bó với nghề nặn ông Táo, sang năm mới sẽ thất nghiệp

Những ngày cuối năm Quý Tỵ, lò gốm vẫn hoạt động cầm chừng do việc ghe chở nguyên vật liệu gặp khó khăn khi phải đi qua công trình để cập bờ. Ông Tiếp cho biết: “Tôi đã kiến nghị đến chính quyền địa phương nhờ hỗ trợ nhưng dường như không thay đổi được gì. Vận chuyển bằng đường bộ thì không khả thi. Cho đến khi con đập hoàn thành thì tôi đành phải đóng cửa lò”.

Nếu đóng cửa lò, ông Năm Tiếp và 30 nhân công cũng chưa biết sẽ chuyển sang nghề gì vì bao nhiêu năm nay họ chỉ biết công việc nặn lò, nung lò mà thôi. Và khi người nghệ nhân lò gốm cuối cùng của đất Sài thành chính thức buông tay thì cũng là lúc TPHCM xóa sổ nghề “nặn ông Táo”.
 
Những hình ảnh sau cuối của lò gốm cổ truyền duy nhất tại Sài Gòn:
 
Những người không quản khó nhọc gắn bó với nghề nặn ông Táo, sang năm mới sẽ thất nghiệp

Đất sét và nguyên vật liệu được vận chuyển từ miền Tây lên, đi qua bến Phú Định, cập bờ tại lò gốm Sài Gòn
 
Nhào trộn đất sét

Nhào trộn đất sét
 
Lò đất mới nặn xong được phơi nắng

Lò đất mới nặn xong được phơi nắng

Lò đất mới nặn xong được phơi nắng
 
Đưa vào lò nung

Đưa vào lò nung
 
Những ông Táo sắp xuất xưởng.

Những "ông Táo" sắp xuất xưởng.

Hồng Nhung