Mã số: 240306
Nỗi bất an của phụ huynh trước thềm năm học mới
(Dân trí) - Vợ chồng ốm đau, con cái bệnh tật không có tiền đi viện vì không có bảo hiểm y tế là thực trạng chung của rất nhiều hộ gia đình khó khăn trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).
Bố mẹ bệnh tật và nỗi niềm chiếc thẻ bảo hiểm y tế trước thềm năm học
Chúng tôi ghé thăm gia đình chị Trần Thị Thành (trú xóm 13, xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu). Từ đầu ngõ và sân nhà được dựng nhiều cọc, sào bằng gỗ để phơi miến gạo, chị Thành bụng bầu vượt mặt cùng con nhỏ tất bật phơi mẻ miến vừa làm xong. Đây cũng là nguồn thu nhập chính cho cả gia đình chị vào những ngày nông nhàn.
Chị Thành kể, vợ chồng chị có 7 con (2 trai, 5 gái), con đầu học đại học năm thứ nhất ở TPHCM và con nhỏ nhất mới lên 4 tuổi.
Ngoài 2 sào ruộng, để có tiền trang trải cuộc sống, lo con học hành, người chồng phải xa nhà đi làm thuê. Chị Thành dù bụng mang dạ chửa vẫn cố gắng bươn chải sớm hôm để làm miến gạo. Ngày nào may mắn bán được nhiều cũng kiếm được 100.000-150.000 đồng để phụ chồng lo cho các con.
Chị Trần Thị Liệu, công chức UBND xã Quỳnh Thanh, cho biết gia đình chị Thành vừa thoát nghèo năm 2023. Hiện cả gia đình ở trong nhà bố mẹ chồng, kinh tế khó khăn. Năm ngoái hộ cận nghèo được nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng từ khi thoát nghèo, gia đình chị không có tiền để mua BHYT cho các con.
Bản thân chị Thành chỉ còn mấy tháng nữa sinh nhưng cũng không có BHYT. Chồng và các con của chị người có bảo hiểm, người không. Dù rất lo mỗi khi gia đình có người ốm đau không có BHYT nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, không đủ kinh phí nên đành chấp nhận.
Theo chân chị Liệu, chúng tôi ghé thăm gia đình chị Trần Thị Danh (36 tuổi, trú xóm 6, xã Quỳnh Thanh). Năm ngoái, gia đình chị Danh thoát nghèo, mấy tháng sau, bản thân chị phát hiện mắc bệnh suy tim nặng. May mắn trong thời gian này, chị đang làm công nhân cho một công ty may gần nhà nên có bảo hiểm, bớt được gánh nặng.
Chương trình "Nâng bước đến trường - Trao tặng thẻ BHYT cho học sinh khó khăn" lần thứ 3 do báo Dân trí phát động được triển khai với mục tiêu trao tặng thẻ BHYT cho 1.500 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên toàn quốc trong năm học 2024-2025. Mỗi tấm thẻ là một món quà vô giá, mang đến niềm hy vọng về sức khỏe và tương lai tươi sáng cho các em.
Trong khi đó, chồng chị Danh là anh Hồ Hữu Lưu (41 tuổi) cũng mắc bệnh rối loạn tiền đình nặng đã nhiều năm nay phải uống thuốc triền miên. Vì bệnh tật nên anh không làm được việc nặng, hàng ngày đi bắt cua, bắt ốc kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Vừa rồi, để có tiền cho chị Danh phẫu thuật tim, gia đình phải vay mượn khắp làng trên xóm dưới mới đủ 150 triệu đồng. Giờ sức khỏe dần ổn định nhưng vợ chồng chị gánh khoản nợ gần 200 triệu đồng. Cả 2 vợ chồng đều bệnh tật, không thể đi làm, khoản nợ chưa biết nhìn đâu để trả, rồi còn tiền sinh hoạt và tiền học cho các con. Vì hoàn cảnh khó khăn nên chồng và 2 con của chị cũng chưa mua thẻ BHYT.
"Những năm trước, gia đình thuộc hộ cận nghèo nên được miễn phí BHYT. Nay thoát nghèo, vợ chồng tôi lại gánh thêm nỗi lo vì không đủ khả năng mua BHYT cho cả chồng và 2 con nhỏ là Hồ Hữu Gia Huy (13 tuổi) lên lớp 7 và Hồ Thị Bảo Ngọc (10 tuổi) lên lớp 4.
Mắc bệnh hiểm nghèo, nằm viện triền miên, tôi hiểu được lợi ích và tầm quan trọng của BHYT. Thế nhưng, nhà tôi quá khó khăn, gánh nặng nợ nần, cả 2 vợ chồng đều không có khả năng lao động nên không có thu nhập, biết lấy tiền đâu mua BHYT cho cả gia đình bây giờ. Chỉ mong được cấp trên quan tâm, hỗ trợ để gia đình tôi bớt nỗi lo, an tâm hơn mỗi khi không may ốm đau, bệnh tật phải nằm viện điều trị", chị Danh chia sẻ thêm.
BHYT như vật phòng thân
Chị Liệu chia sẻ, nhiều năm qua, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn xã còn thấp so với mặt bằng chung của toàn huyện. Nguyên nhân chính là do đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, không đủ khả năng về tài chính. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, lao động tự do, thu nhập không ổn định. Nhiều người nhận thức còn hạn chế, chưa thấy được những lợi ích, ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách BHYT.
"Đến nay tỷ lệ người tham gia BHYT trên địa bàn xã Quỳnh Thanh đạt 75%. Tỷ lệ người tham gia BHYT tự nguyện chưa bền vững, nhất là hộ gia đình do không đủ khả năng về tài chính để tham gia BHYT", chị Trần Thị Liệu thông tin.
Đặc biệt hơn là trường hợp của gia đình chị Đặng Thị Vỵ (33 tuổi, trú xóm 12, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu). Ngoài chăm sóc 4 con gái (lớn nhất 12 tuổi, nhỏ nhất hơn 1 tuổi), vợ chồng chị Vỵ còn phụng dưỡng mẹ chồng gần 80 tuổi bị mù một mắt, lưng còng, sức khỏe yếu và một người anh chồng 49 tuổi bị tàn tật bẩm sinh, nằm một chỗ, hưởng trợ cấp của xã hội.
Chị Vỵ một tay 4 con nhỏ, chăm sóc mẹ chồng, anh chồng nên không thể làm gì có thu nhập. Cuộc sống của cả gia đình trông chờ vào mấy sào ruộng cùng tiền công thợ cơ khí bấp bênh của anh Nguyễn Bá Phương (39 tuổi, chồng chị Vỵ). Hoàn cảnh khó khăn, không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nên nhiều năm nay, vợ chồng chị Vỵ không đủ khả năng mua BHYT.
"Những lần vợ chồng hoặc con cái ốm đau, tôi chỉ biết cắn răng chịu đựng hoặc mua thuốc về tự điều trị ở nhà. Chỉ những lúc đau quá, tôi mới nhập viện điều trị, khó khăn thêm chồng chất.
Dù biết BHYT rất có giá trị và bản thân tôi cũng xem đó như vật phòng thân nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên đành chấp nhận. Nhiều năm qua, tôi cũng ước có tiền để mua BHYT cho cả gia đình để không còn bất an, lo lắng những khi ốm đau nhưng chưa năm nào được trọn vẹn cả", chị Vỵ chia sẻ.
Chuẩn bị vào năm học mới, chị Vỵ gánh thêm nỗi lo tiền sách vở, học phí cho 2 con. Còn về khoản tiền để mua BHYT, với hoàn cảnh hiện tại, dù có muốn, gia đình chị cũng phải gác lại...
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An, đến thời điểm này trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu còn 2.836 học sinh, sinh viên chưa mua thẻ BHYT.