Vượt qua giới hạn bản thân
Nói chuyện với người bạn, anh ấy hỏi tôi một câu khiến tôi phải suy nghĩ:
"Thành có nhiều hoạt động trong thời gian qua, nào là phát triển KiDao (Khí đạo), nào là giáo dục đào tạo, nào là phát triển MentorLinks (một sản phẩm về quản lý đào tạo), nào là nghiên cứu khoa học. Như thế một người ngoài nhìn vào sẽ cảm nhận Thành làm lung tung chuyện. Thành cần cho mọi người biết là tất cả những hoạt động ấy có một mục đích chung gì không?".
Câu hỏi trên rất đúng, tôi biết là mọi người sẽ nghĩ vậy nhưng lâu nay ít khi tôi có dịp nói ra hay giải thích sao cho cặn kẽ.
Tất cả những gì tôi làm chỉ hướng đến một và duy nhất một mục tiêu, đó là phát triển con người.
Gần đây tôi đạp xe xuyên Việt. Làm thế nào để một ông già U70 có thể đạp trên 3.400 km, leo lên gần 40.000 m đồi núi trong 49 ngày, trong khi bản thân có bệnh nền và trước đó là một người làm việc 100% trí óc?
Câu trả lời nằm trong nguyên tắc 40% của lực lượng đặc nhiệm SEAL của Mỹ: Khi não của bạn nói với bạn rằng "đã hết sức rồi" thì bạn chỉ mới dùng có 40% thôi; điều quan trọng là làm sao để khai thác 60% còn lại.
Nói một cách dễ hiểu thì chuyện tôi đạp xe xuyên Việt chính là thử thách vượt qua giới hạn bản thân, hay như tôi đề cập ở trên: Phát triển con người.
Cơ thể con người và các cơ chế hoạt động của hệ thần kinh tự chủ là cỗ máy hoàn hảo. Hoạt động nào quan trọng đều có "van" an toàn. Vậy nên tôi không khuyến khích sự mạo hiểm mà không có kế hoạch hay chuẩn bị từ trước. Việc tôi đạp xe xuyên Việt là một sự mạo hiểm nhưng hoàn toàn chủ động và có kế hoạch.
Trước hết tôi phải xác định rõ ràng điều mình mong muốn hay muốn có được từ chuyến đi, đó là trải nghiệm văn hóa và lối sống của người dân ở những vùng tôi đạp xe qua, đặc biệt ưu tiên cho những nơi mà tôi chưa từng ghé qua. Đồng thời, tôi cũng phải xác định những hạn chế, những rủi ro cần phòng tránh, ví dụ như hạn chế tối đa sử dụng đường quốc lộ lớn vì lượng xe tải và xe khách rất nhiều.
Để có thể đạp nhiều ngày tôi cần có kinh nghiệm sử dụng xe địa hình và có sức khỏe tốt. Tôi đã từng dùng xe đạp địa hình cho hai chuyến đi xuyên miền Tây và từ Sài Gòn tới Quảng Bình. Tuy nhiên tôi đã không đạp xe từ 2018. Về sức khỏe, cũng may thời gian qua tôi phát triển và dạy môn thể dục KiDao nên sức khỏe tốt. Điều tôi cần là người có kinh nghiệm thiết kế cung đường, người dẫn đường có kinh nghiệm sửa xe đạp, và người chở hành lý. Để có điều này thì tôi làm việc với một công ty chuyên cho thuê dịch vụ.
Một kinh nghiệm nữa là chia nhỏ toàn bộ cung đường thành nhiều chặng. Sau mỗi chặng có 1-2 ngày nghỉ để phục hồi cơ bắp và tạo cơ hội giao lưu với sinh viên và giảng viên ở các đại học vào ngày nghỉ. Chia nhỏ kế hoạch lớn thành những chặng nhỏ tạo cơ hội để đánh giá kết quả chặng đã hoàn tất và có những thay đổi cần thiết.
Nếu ví con người như một cái máy tính thì con người có hai phần: Phần cứng - thể xác và phần mềm (hệ điều hành chạy bởi não hay CPU).
Hệ điều hành tốt mà phần cứng trì trệ hay phần cứng tốt mà hệ điều hành không tốt, cả hai đều làm cho máy hoạt động trì trệ và không hiệu quả.
Thế làm sao để cho phần cứng tốt - đó là sức khỏe. Mà sức khỏe thì ảnh hưởng bởi ba yếu tố chủ yếu là: Thể dục, dinh dưỡng, và giấc ngủ.
Về phần mềm, hệ điều hành thì cần phải hiểu con người phát triển não bộ và tư duy như thế nào qua từng giai đoạn. Ví dụ, trước khi trưởng thành (tốt nghiệp trường THPT), đây là giai đoạn có vai trò của cha mẹ trong phát triển con trẻ. Hay là giai đoạn phát triển kiến thức và kỹ năng để bước vào đời (đi làm và phát triển sự nghiệp) thì giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ năng, tư duy…, có ý nghĩa quan trọng.
Tất cả những khía cạnh cần thiết của từng giai đoạn là những modules (các đơn vị nhỏ được cấu thành trong tổng thể) của hệ điều hành, giúp phần cứng chạy hiệu quả để hoạt động hướng về những mục tiêu của cuộc sống ở từng giai đoạn của tuổi tác.
Đương nhiên tất cả chúng ta ai cũng phải chết. Và tất cả chúng ta ai cũng có một đời người để sống. Với tôi, phát triển con người là làm sao để chúng ta sống một đời người thật xứng đáng và biết rằng chúng ta đang sống chứ không phải chúng ta đang chết.
Chúng ta ai cũng có ước mơ, rất nhiều ước mơ. Nhưng phần lớn những ước mơ đó chết dần theo năm tháng đến khi chúng ta già đi thì bảo ước gì lúc trẻ có thể làm điều đó, rồi nêu rất nhiều lý do mà mình đã không hiện thực hóa chúng như 'Tại, Bị, Vì, v.v.'
Lý do chính mà chúng ta không hiện thực hóa ước mơ của mình là nỗi sợ. Bạn sợ tương lai không như mong muốn. Bạn sợ khả năng của mình. Bạn sợ môi trường để thực hiện chúng không được hoàn hảo. Bạn sợ những nguy cơ chưa tiên đoán được ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Bạn sợ lỡ thất bại ảnh hưởng đến sĩ diện của mình. Ôi thôi, bạn sợ đủ thứ. Bạn có biết rằng những nỗi sợ đó chính là điều làm bạn chần chừ không dám quyết định hành động, rồi ngày cứ qua đi đến khi bạn già.
Khi bắt đầu thiết kế chuyến xe đạp xuyên Việt, tôi muốn trong đời có một lần đi từ Cực Bắc Lũng Cú đến Cực Nam Đất Mũi. Cũng đã khá nhiều người đạp xe từ TPHCM đi Hà Nội. Nhưng băng qua Hà Giang bằng xe đạp là điều không hề dễ dàng. Hà Giang có những con đèo cao gấp đôi đèo Hải Vân với độ dốc trên 15 độ. Đi bộ đẩy xe lên đèo cũng muốn khùng luôn.
Tuy nhiên khi đạp từ Huế lên A Lưới tôi ra đưa ra một quyết tâm là sẽ cố gắng đạp lên đèo chứ không dắt bộ lên nữa. Quyết tâm này đã giúp đẩy tôi vượt qua giới hạn của bản thân khi phải đạp qua đèo Lò Xo ranh giới Quảng Nam và Kon Tum trên đường mòn Hồ Chí Minh.
Tôi, một ông già U70 làm việc văn phòng đã hơn 35 năm nay, một người bệnh tiểu đường loại 2. Nếu tôi sợ hãi thì đã không thực hiện được ước mơ một lần trong đời đạp xe xuyên Việt của mình. Nhưng nếu cứ liều lĩnh làm điều mình muốn, tôi có thể gặp thất bại, thậm chí trả giá bằng chính sức khỏe, tính mạng của mình.
Tôi không có ý là để không sống trong sợ hãi thì bạn cần phải biết liều. Không phải bạn ạ. Mà là liều trong kiểm soát. Biết phân tích và đánh giá nguy cơ ở mọi trường hợp và chọn giải pháp tối thiểu nguy cơ.
Như lúc tôi đạp xuyên qua Nghệ An và Hà Tỉnh là lúc bão Noru vào Đà Nẵng. Tôi đưa ra quyết định tiếp tục đạp dựa trên một số thông tin: 1) cung đường ở phía Tây xa nơi tâm bão và được dãy núi Trường Sơn chắn do đó ảnh hưởng của bão sẽ không lớn; 2) mỗi sáng sớm trước khi xuất phát tôi xem tin tức và các cảnh báo trên cung đường tôi sẽ đi qua; và 3) mưa thì không sao nhưng gió lớn sẽ có nhiều nguy cơ hơn. Do đó nếu không có gió nhưng mưa nặng hạt thì cũng đạp. Trong lúc bão Noru vào Việt Nam tôi quyết định đạp hay không mỗi sáng ngày hôm đó chứ không liều.
Sau khi đạp trên 8h/ngày trong 49 ngày, tôi nhận ra con người hiện đại có quá ít hoạt động thể chất. Xe không chạy sẽ hết pin, khô dầu.
Qua chuyến đi của mình, tôi hy vọng truyền được động lực cho các bạn sống và hiện thực hóa ước mơ của mình.
Tác giả: Giáo sư Trương Nguyện Thành có bằng Tiến sĩ Hóa tính toán tại Đại học Minnesota năm 1990. Ông nhận học bổng hậu tiến sĩ từ National Science Foundation.
Năm 2002, ông trở thành giáo sư chính giảng dạy môn Hóa học ở Đại học Utah. Năm 2017, ông tạm nghỉ và về Việt Nam làm Hiệu phó Đại học Hoa Sen, rồi Hiệu phó tại Đại học Văn Lang ở TP HCM. Hiện ông dành thời gian tư vấn cho các tổ chức giáo dục. Gần đây ông phát triển môn thể dục mới có tên gọi là Khí Đạo hay KiDao.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!