1. Dòng sự kiện:
  2. Gia đình 4 người bị truy sát

Vụ trẻ bị bỏ quên trên ô tô: Bắt khẩn cấp nhân viên phụ trách đưa đón

Đức Văn Hải Nam

(Dân trí) - Viện KSND TP Thái Bình đã phê chuẩn lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp đối với nhân viên phụ trách đưa đón học sinh từ nhà đến trường của Trường mầm non Hồng Nhung 2.

Xác nhận với PV Dân trí, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân TP Thái Bình cho biết VKS đã phê chuẩn lệnh tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp và lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thái Bình đối với nhân viên đưa đón học sinh từ nhà đến trường của Trường Mầm non Hồng Nhung 2.

Vụ trẻ bị bỏ quên trên ô tô: Bắt khẩn cấp nhân viên phụ trách đưa đón - 1

Người dân đặt hoa, quà tưởng nhớ cháu bé bị bỏ quên trên ô tô, tại vị trí chiếc xe dừng đỗ ngày 29/5 (Ảnh: Đ. Văn).

Theo báo cáo của Trường mầm non Hồng Nhung 2 (xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình), tài xế đưa đón học sinh trong vụ việc trẻ bị bỏ quên trên xe là ông N.V.L.

Ông L. chỉ tham gia đưa đón học sinh bằng xe 29 chỗ từ ngày 22/5 vì tài xế chính xin nghỉ phép một tuần. Phương tiện ô tô 29 chỗ dùng để đưa đón học sinh hàng ngày do nhà trường ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ.

Vụ trẻ bị bỏ quên trên ô tô: Bắt khẩn cấp nhân viên phụ trách đưa đón - 2

Trường Mầm non Hồng Nhung 2 (Ảnh: Đ. Văn).

Báo cáo cho thấy, Trường mầm non Hồng Nhung được thành lập năm 2022, do UBND thành phố quyết định thành lập, Phòng GD&ĐT thành phố cấp phép hoạt động với 12 lớp/272 trẻ.

Giáo viên phụ trách lớp có học sinh tử vong là cô Đoàn Thị N. (SN 1998, trình độ đào tạo cao đẳng sư phạm mầm non) và cô Nguyễn Thị P. (sinh năm 1966, trình độ đào tạo đại học sư phạm mầm non).

Nhân viên tham gia đưa đón học sinh là cô Phương Q.A., trình độ đào tạo trung cấp dược.

Theo nhà trường, khoảng 6h20 ngày 29/5, lái xe N.V.L. và cô Phương Q.A. có nhiệm vụ đón trẻ mầm non từ các gia đình đến Trường mầm non Hồng Nhung 2, trong đó có cháu T.G.H.

Đến 17h30 cùng ngày, người thân của cháu H. đến đón, không thấy cháu ở lớp nên đã khẩn trương báo cho nhà trường, tập trung tìm kiếm và phát hiện cháu H. vẫn ở trên xe đưa đón của nhà trường (xe đậu tại khuôn viên nhà trường).

Do lái xe không có mặt tại trường nên nhiều người phải phá cửa xe đưa cháu H. đi cấp cứu. Tuy nhiên cháu H. được xác định đã tử vong.

Ai có thể bị xem xét trách nhiệm?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa) cho rằng vụ việc tại Thái Bình có tính chất tương tự một vụ từng xảy ra tại TP Hà Nội vài năm trước.

Theo nhận định của luật sư, cái chết của bé trai đến từ lỗi vô ý, do đó quyết định khởi tố vụ án hình sự Vô ý làm chết người của cơ quan điều tra là chính xác.

Vụ trẻ bị bỏ quên trên ô tô: Bắt khẩn cấp nhân viên phụ trách đưa đón - 3

Chiếc xe đưa đón học sinh của Trường mầm non Hồng Nhung 2 (Ảnh: Đ. Văn).

"Trong vụ việc này, những cá nhân liên quan đều có phần lỗi vô ý, không làm đúng trách nhiệm của mình khi kiểm tra các cháu học sinh đã xuống xe đủ hay chưa; cô giáo đứng lớp hay cô giáo đón bé sau khi phát hiện thiếu cháu H. nhưng không thực hiện thông báo với gia đình...", luật sư Giáp nói.

Do đó, ông Giáp cho rằng cần phải xem xem trách nhiệm đối với cô giáo đón dẫn cháu H., cô giáo đứng lớp kiểm đếm học sinh. Đối với người tài xế, luật sư cho biết cơ quan điều tra sẽ làm rõ "phạm vi" nhiệm vụ của lái xe gồm những gì? Có trách nhiệm kiểm tra ô tô trước khi ra về hay không? Từ đó sẽ xem xét truy cứu hay không truy cứu tài xế ô tô.

Về phía nhà trường, theo Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa, cơ quan chức năng sẽ xác minh xem ban giám hiệu có hướng dẫn, đào tạo về quy trình đưa đón học sinh cho các giáo viên đầy đủ hay không.

Trích dẫn Điều 129 Bộ luật hình sự, luật sư Hoàng Trọng Giáp cho biết khung hình phạt với người vô ý làm chết người là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.

Trong dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông, Bộ Công an đề xuất quy định đối với ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non tại Điều 45.

Khoản 3, Điều 45 nêu: "Khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu một người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trong suốt chuyến đi. Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô".

Tiếp tục, Bộ Công an đề xuất cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non nắm vững và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ em mầm non; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón học sinh, trẻ em mầm non của đơn vị mình.