Đại biểu Quốc hội: Vỉa hè nhiều nơi ở trung tâm TPHCM không chấp nhận được
(Dân trí) - "Chúng ta đi các đô thị của nhiều nước xung quanh và xa hơn, thì thấy TPHCM còn nhiều vấn đề về hạ tầng. Vỉa hè ngay tại quận 1 nhiều nơi không chấp nhận được", ông Trương Trọng Nghĩa nói.
Tại buổi làm việc với UBND TPHCM chiều 13/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu Quốc hội chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại của đô thị sôi động nhất cả nước. Trong đó, những vấn đề về hạ tầng, môi trường, đời sống người dân đã được các đại biểu bàn thảo kỹ lưỡng.
"Cần tìm ra cách làm nào để thành phố sạch hơn, đẹp hơn, an toàn hơn. Chúng ta làm được những việc trước mắt như vậy là đã làm thành phố thay đổi, chưa cần tới cơ chế mới, thể chế mới", Chủ tịch nước phát biểu mở đầu hội nghị.
Các đại biểu có mặt tại hội nghị cho rằng, trong quá trình phát triển, TPHCM đã đặt ra nhiều mục tiêu, tham vọng lớn. Tuy nhiên trước tiên, địa phương này cần giải quyết các vấn đề còn tồn tại thời gian dài.
Nghịch lý của TPHCM
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, những ý kiến của Chủ tịch nước đặt ra là rất sát với thực tế của TPHCM. Ông Nghĩa nêu rõ vấn đề cố hữu của địa phương này là có GDP đầu người hàng đầu cả nước, nhiều người thu nhập cao, nhiều xe sang nhưng "không sạch, không đẹp và an toàn còn nhiều vấn đề".
"Chúng ta đi các đô thị của nhiều nước xung quanh và xa hơn, thì thấy TPHCM còn nhiều vấn đề về hạ tầng. Vỉa hè ngay tại quận 1 nhiều nơi không chấp nhận được", vị đại biểu Quốc hội đặt vấn đề.
Ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng, những vấn đề về hạ tầng của thành phố xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có sự chậm trễ của các tuyến đường sắt đô thị, việc cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, thành phố còn nhiều người dân thu nhập thấp, lạm phát thực tế ở mức cao...
"Có sự bất cân bằng trong phát triển TPHCM. Chúng ta thấy có nguồn lực như vậy nhưng mặt bằng chung đời sống của người dân chưa tương xứng. Vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp được chúng ta đặt ra từ 20-30 năm trước nhưng chưa thay đổi", đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích.
Để TPHCM tiếp tục là đầu tàu, là động lực tăng trưởng, góp phần cùng cả nước phát triển đúng mục tiêu đề ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa góp ý về những điều địa phương cần tập trung và đề xuất các chính sách. Những yếu tố này là đột phá về tài chính, ngân sách; nguồn lực đất đai, nhà cửa; hội nhập, thu hút đầu tư nước ngoài; ứng dụng khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy; công tác nhân sự.
Trong đó, vị đại biểu này lưu ý TPHCM về chất lượng nhân sự. Ông cho rằng, với địa bàn hơn 10 triệu dân, với những nhiệm vụ lớn, nguồn nhân lực của thành phố này đang gặp tình trạng vừa thiếu, vừa yếu.
"Theo báo cáo của UBND TPHCM, những năm qua, địa phương chỉ thu hút được vài nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học. Cần có những chính sách đột phá để thu hút nhân tài", ông Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề.
Mặt trái của những thế mạnh
Đại biểu Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, bày tỏ, TPHCM là địa phương có rất nhiều thế mạnh. Tuy nhiên, những thế mạnh luôn đi đôi với việc tiềm ẩn thách thức.
"TPHCM có dân số đông nhất cả nước, đây là nguồn lực mà nhiều nơi muốn cũng không có. Bên cạnh mặt thuận là có nguồn lực phục vụ phát triển, điều này còn dẫn tới mặt trái là quá tải hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, nhà ở", đại biểu Lê Minh Trí phân tích.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, cho rằng nhiều nhiệm kỳ qua, thành phố đã chạy theo tốc độ gia tăng dân số để tập trung đầu tư cho giao thông, y tế, giáo dục. Tuy nhiên, thành phố luôn đi sau vì tốc độ gia tăng dân số quá nhanh.
Ngoài ra, TPHCM có truyền thống đi đầu trong suốt quá trình phát triển kinh tế. Địa phương này là nơi có các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hình thành sớm, nhưng đến nay không còn hiệu quả.
"Cách đây 15 năm, Khu công nghiệp Tân Bình được coi là hình mẫu lý tưởng. Nhưng bây giờ không còn lý tưởng nữa, không nơi nào phát triển khu công nghiệp sát vách khu dân cư như vậy. Khu công nghiệp Củ Chi cũng gây ảnh hưởng đến giao thông vì là nơi tập trung lượng lớn công nhân, người lao động của địa phương và các tỉnh, thành miền Tây", đại biểu Lê Minh Trí nhìn nhận.
Đại biểu Quốc hội góp ý, vấn đề ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng giao thông của TPHCM liên quan trực tiếp đến cơ cấu kinh tế, công nghiệp. Nếu vẫn duy trì cách thức phát triển như hiện tại, dù mở thêm đường, xây thêm nhà, trường, bệnh viện thì vẫn tiếp tục quá tải.
Thay vào đó, TPHCM cần tính toán để lựa chọn sản phẩm chất lượng cao, phát triển các lĩnh vực, các ngành nghề yêu cầu nhân lực chất lượng cao, giảm thông dụng lao động, chuyển dịch các khu, cụm công nghiệp hiện hữu tới những địa phương khác đang cần. Có như vậy, áp lực dân số của thành phố sẽ giảm, các ngành nghề mới sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Góp ý cho những bất cập về hạ tầng của TPHCM, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư, lưu ý, thành phố cần thực hiện ngay các giải pháp cho ngập úng, ô nhiễm môi trường. Bộ trưởng phân tích, kinh nghiệm của nhiều đô thị khác trên thế giới cho thấy, nếu làm chậm, TPHCM sẽ phải trả giá rất đắt, mất nhiều thời gian, chi phí.
Ngoài ra, trong bối cảnh các tuyến metro sắp hoàn thiện, địa phương này cần quan tâm ngay tới phát triển không gian ngầm. Đây là nguồn lực rất lớn để giảm tải cho mặt đất hiện hữu.