Tâm điểm
Nguyễn Văn Đáng

Tuyển sinh đại học, chứ không phải tuyển lựa hoa khôi

Mới đây, để hướng tới mục tiêu đào tạo ra những nhà lãnh đạo, quản trị và điều hành xuất sắc, một trường đại học tại Hà Nội dự kiến áp dụng một số tiêu chí hình thể trong công tác tuyển sinh. Cụ thể, thí sinh nam phải có chiều cao từ 1,65m và thí sinh nữ phải cao từ 1,58m thì mới có cơ hội dự thi và học tập tại trường. Những tiêu chí tuyển sinh "lạ lẫm" này nhanh chóng gây chú ý, với nhiều ý kiến trái chiều.

Nhóm ý kiến không đồng tình cho rằng tiêu chí tuyển sinh như vậy là không hợp lý, vì không có một mối liên hệ nhân quả rõ ràng giữa hình thể và năng lực lãnh đạo của mỗi cá nhân. Bằng chứng là trong lịch sử nhân loại, rất nhiều nhà lãnh đạo chính trị hoặc doanh nghiệp thành công cho dù hình thể không cao lớn. Vì thế, việc sử dụng các tiêu chí hình thể phù hợp hơn với các cuộc tuyển lựa hoa khôi, người đẹp, chứ không phải giáo dục, đào tạo lãnh đạo.

Tuyển sinh đại học, chứ không phải tuyển lựa hoa khôi - 1

Các trường đại học không được phân biệt đối xử giữa các thí sinh dựa trên các tiêu chí ngoài năng lực tư duy, trình độ kiến thức (Ảnh minh họa: CV)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời yêu cầu nhà trường rà soát các tiêu chí và điều kiện xét tuyển nêu trên trong đề án tuyển sinh đại học năm 2024. Phía trường đại học cũng đã cầu thị, loại bỏ các tiêu chí hình thể ra khỏi hầu hết các chương trình đào tạo. Mặc dù sự việc cụ thể đã khép lại nhưng cũng cần thấy rằng để phục vụ những mục tiêu đào tạo nhất định, một trường đại học nào đó muốn phát hiện tiềm năng lãnh đạo của thí sinh là nhu cầu chính đáng. Vấn đề là tiêu chí, cách thức phát hiện tiềm năng như thế nào?

Về bản chất, năng lực lãnh đạo là khả năng tập hợp, quy tụ, truyền cảm hứng, và dẫn dắt người khác để cùng thực hiện những thay đổi tích cực cho nhóm, tổ chức, cộng đồng, quốc gia, thậm chí toàn cầu. Vì thế, tố chất lãnh đạo của cá nhân phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chứ không chỉ chiều cao và cân nặng.

Chẳng hạn, về phẩm chất cá nhân, người có khả năng lãnh đạo sẽ cho thấy một quá trình nhất quán trong việc tự kiểm soát bản thân để tránh xa những hành vi và lối sống vị kỷ, ích kỷ. Thay vào đó, họ bộc lộ bản năng thủ lĩnh khi luôn quan tâm đến người khác, quan tâm đến các vấn đề của tập thể, và luôn tích cực đề xuất hoặc tham gia vào các hoạt động nhằm đem lại sự thay đổi tích cực cho tập thể.

Về vị thế và vai trò xã hội thì cần xem xét quá trình cá nhân tham gia các nhóm xã hội, các hoạt động có tính tập thể. Tố chất lãnh đạo sẽ thể hiện qua khả năng làm việc nhóm, khả năng truyền cảm hứng, thuyết phục và quy tụ được nhiều người cho các ý tưởng nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực. Những phẩm chất ưu trội của cá nhân được nhiều người thừa nhận, tạo được uy tín cũng như ảnh hưởng nhất định, đặc biệt là trong phạm vi các nhóm xã hội mà họ tham gia.

Vì thế, các đặc trưng hình thể của cá nhân có thể hỗ trợ năng lực lãnh đạo, nhưng không phải là tiêu chí đáng tin cậy để đưa ra nhận định về tiềm năng lãnh đạo của mỗi người. Trái lại, việc áp dụng các tiêu chí hình thể trong tuyển sinh và đào tạo sẽ tạo ra rào cản với những thí sinh giỏi, thậm chí xuất sắc nhưng lại "thấp bé, nhẹ cân".

Hơn nữa, một cơ sở giáo dục công lập sử dụng tiêu chí hình thể khi tuyển sinh sẽ có thể vi phạm nguyên tắc "bình đẳng" về cơ hội học tập, và "công bằng" về thụ hưởng thành quả giáo dục. Để bảo đảm hai nguyên tắc căn bản nêu trên, Luật giáo dục cũng như Quy chế tuyển sinh ở nước ta đều yêu cầu các trường đại học không được phân biệt đối xử giữa các thí sinh dựa trên các tiêu chí ngoài năng lực tư duy, trình độ kiến thức.

Trên thế giới, việc các trường đại học quan tâm đến các yếu tố ngoài kiến thức và năng lực cá nhân khi tuyển sinh cũng đã được thực hiện từ lâu. Khi nộp hồ sơ ứng tuyển, thí sinh có thể được yêu cầu viết bài luận bày tỏ nguyện vọng cũng như những dự định của mình nếu được nhận vào học tại trường, cùng những bằng chứng về hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng trong quá khứ. Tuy nhiên, các yếu tố ngoài kết quả học tập chỉ là những tiêu chí bổ sung chứ không phải là điều kiện "cứng" để quyết định thí sinh trúng tuyển hay không.

Ở bất kỳ quốc gia nào, chính sách giáo dục cũng là một cấu phần then chốt của hệ thống chính sách xã hội, một trong ba trụ cột tạo nên sự phát triển bền vững. Từ năm 2015, thông qua tổ chức Liên Hợp Quốc, các nhà lãnh đạo quốc gia đã đồng thuận về 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục. Để hướng tới nền giáo dục chất lượng và bao trùm thì các nguyên tắc "bình đẳng" và "công bằng" được xác định là những yêu cầu đặc biệt quan trọng.  

Trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, những nỗ lực đổi mới trên mọi phương diện của các trường học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo là rất cần thiết, rất đáng khen ngợi. Tuy nhiên, vụ việc áp dụng tiêu chí tuyển sinh không phù hợp cũng gợi ra hai nhu cầu bức thiết với các nhà lãnh đạo, quản lý các cơ sở giáo dục ở mọi bậc học ở nước ta.

Thứ nhất, chúng ta cần ý thức rằng mục đích tối thượng của giáo dục, đào tạo trong giai đoạn hiện nay là bảo đảm một nền giáo dục chất lượng, công bằng, và cơ hội học tập suốt đời cho mọi người. Giáo dục phải là bệ đỡ để cá nhân có thể bộc lộ và phát huy tối đa mọi tiềm năng của bản thân. Vì thế, mỗi nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục cần nhận thức đúng đắn về các yêu cầu bình đẳng, công bằng trong giáo dục, để phù hợp với xu hướng toàn cầu.

Thứ hai, mỗi cơ sở giáo dục, đào tạo cần xem xét lại các quy định riêng, nội bộ để phát hiện những tiêu chí không phù hợp với các nguyên tắc bình đẳng và công bằng trong giáo dục, thực hiện những điều chỉnh cần thiết, thậm chí loại bỏ khỏi môi trường giáo dục. Một nền giáo dục tiến bộ, vì con người thì tất yếu không thể để tồn tại tình trạng phân biệt đối xử dựa trên những yếu tố ngoài giáo dục.

Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!