Trái tim Long Thành và cú hích mang tầm thế kỷ
Trái tim Long Thành đã được kích hoạt. Nhà ga hành khách - công trình có ý nghĩa quyết định của siêu sân bay đã được khởi công, để không bao lâu nữa, nơi đây sẽ là cảng hàng không quốc tế hiện đại, đồng bộ về hạ tầng, dịch vụ và tiện ích phụ trợ, trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng, tạo cú hích cho thời kỳ tăng tốc phát triển kinh tế nhanh hơn của cả nước.
Đất nước rạng rỡ niềm vui với nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật, lịch sử… nhiều công trình, dự án lớn đã hoàn thiện, khánh thành, đưa vào khai thác nhân kỷ niệm Quốc khánh 2/9, mừng đất nước đã đi qua đoạn đường gần 80 năm độc lập tự do. Càng tự hào hơn, khi có thêm những dự án lớn được khởi công xây dựng, kích hoạt sự trỗi dậy cho một vùng đất giàu tiềm năng, kỳ vọng tạo động lực phát triển cho đất nước.
Nhà ga hành khách sân bay quốc tế Long Thành và một số dự án thành phần được khởi công chiều 31/8 là một công trình như vậy.
Thế nhưng, để có được lễ khởi công Nhà ga hành khách - trái tim của đại dự án sân bay quốc tế Long Thành là cả một quá trình tính toán, chuẩn bị công phu và một tinh thần quyết tâm rất lớn của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương.
Nhìn lại những chuyến làm việc như con thoi của Thủ tướng, các Phó thủ tướng với tỉnh Đồng Nai và các Bộ, ngành trong mấy năm qua để xúc tiến những công việc liên quan, thúc đẩy tiến độ phê duyệt quy hoạch, thiết kế, đấu thầu … những hạng mục quan trọng của toàn bộ dự án mới thấy hết sự lo lắng và kỳ vọng của các nhà lãnh đạo về một đại công trình có thể phát huy hết tiềm năng, lợi thế trở thành trung tâm trung chuyển hành khách, hàng hóa của đất nước và khu vực ASEAN.
Dẫn đầu toàn quốc về tốc độ tăng trưởng kinh tế, các tỉnh, thành Đông Nam Bộ hiện chiếm 2/3 kim ngạch xuất khẩu, hơn 40,7 % lượng vốn FDI của cả nước, với khoảng 176 tỷ USD, tính đến cuối năm 2022. Trong đó, TPHCM là địa phương dẫn đầu với 55,7 tỷ USD, trong tổng số 432,43 tỷ USD vốn FDI của Việt Nam.
Cùng với tăng trưởng nhanh của nền kinh tế trong 20 năm qua, lượng khách du lịch đến Việt Nam qua cửa ngõ phía Nam cũng tăng lên nhanh chóng, khiến sân bay Tân Sơn Nhất dù đã được đầu tư mở rộng vẫn bị quá tải trầm trọng.
Không thể cứ để một chàng trai đang tuổi ăn tuổi lớn phải chịu cảnh tù túng trong chiếc áo chật chội. Một chiếc áo đủ rộng không chỉ để chàng trai ấy thoải mái lớn lên mà còn có thể vươn vai Phù Đổng, bước ra với khu vực và thế giới là cần thiết. Ý tưởng về sân bay quốc tế Long Thành ra đời là để thực hiện khát vọng ấy, thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thành điểm sáng của cả nước và khu vực ASEAN.
Với tổng nguồn vốn 360.000 tỷ đồng, thiết kế đạt cấp 4F, mức cao nhất theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), sân bay Long Thành giai đoạn một có công suất 25 triệu khách, sau khi hoàn thành giai đoạn 3 có thể phục vụ 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm; sẽ là trung tâm trung chuyển vận tải hàng không hiện đại, là điểm kết nối của khu vực và thế giới, có thể cạnh tranh với các sân bay trong khu vực như Changi của Singapore, Suvarnabhumi của Thái Lan…
Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng sân bay quốc tế Long Thành cho thấy lãnh đạo các cấp luôn coi trọng phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, trong đó có hệ thống đường cao tốc, cảng biển và hạ tầng vận tải hàng không. Bởi, chỉ khi cơ sở hạ tầng tốt và hiện đại thì kinh tế đất nước mới có cơ hội cất cánh.
Thế giới đã chứng kiến khá nhiều mô hình đô thị sân bay thành công, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế và thương mại, du lịch của địa phương như sân bay Amsterdam Schiphol của Hà Lan, gắn liền với khu vực mua sắm lớn, mang lại nguồn thu đáng kể cho đất nước; hay như sân bay Incheon (Hàn Quốc) tập trung rất nhiều doanh nghiệp logistics và kho bãi; cách sân bay 20km là Khu vực thương mại tự do Incheon FEZ rất phát triển.
Với vị trí và tầm vóc của dự án, có thể tự tin rằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ mở ra không gian phát triển mới, tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho cả vùng Đông Nam bộ và khu vực lân cận. Nhất là khi hệ thống giao thông kết nối trong khu vực gồm đường sắt, đường bộ cao tốc hiện đại đã và đang ngày càng hoàn thiện.
Theo nhiều chuyên gia, sân bay Long Thành khi đi vào khai thác sẽ gia tăng lợi thế thu hút đầu tư FDI, thúc đẩy phát triển du lịch vùng, hiện thực hóa vùng Đông Nam Bộ và TPHCM trở thành cửa ngõ thu hút khách du lịch quốc tế tới Việt Nam, đem lại nguồn thu đáng kể nhờ phát triển đồng bộ các hoạt động kinh tế công nghiệp, thương mại, dịch vụ đi kèm, có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP nước ta từ 3 - 5%.
Vùng đất từng bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh với những rừng "cao su Long Thành run rẩy cánh tay xương" kỳ vọng sẽ được viết lại bằng một trang mới mang tầm thế kỷ, khi nơi đây trở thành trung tâm kết nối với thế giới, Trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực ASEAN, trục phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại mang tầm quốc gia và khu vực.
Tác giả: Nhà báo Nguyễn Vân Thiêng học Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Quy Nhơn, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!