Tin giả và sứ mệnh của báo chí
Ngày nay nếu nói rằng "mở mạng là gặp tin giả (fake news)" thì có thể hơi quá, nhưng chắc chắn rằng nó đã trở nên rất phổ biến trong đời sống thông tin. Đơn cử như liên quan đến vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk mới đây, bên cạnh dòng thông tin chính thống từ báo chí cũng như các cơ quan chức năng thì trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều nguồn tin thất thiệt, không được kiểm chứng và đã có nhiều người bị xử phạt vì đưa tin sai sự thật.
Tin giả có thể xuất hiện trong bất cứ lĩnh vực nào, từ chính trị, xã hội, kinh tế cho đến văn hóa, thể thao, giải trí… Mới đây, tôi đọc được một tin tức trên Facebook với tựa đề "Báo đài Mỹ nói cả châu Á phân biệt chủng tộc vì không xem tiên cá". Chỉ cần một thao tác đơn giản là kiểm tra nguồn, tôi đã biết đây là một tin tức bị bóp méo khi bài viết gốc xuất phát từ một tờ báo đơn lẻ và cũng không đề cập tới câu chuyện "cả châu Á phân biệt chủng tộc."
Đáng buồn, những bài viết như vậy vẫn có hàng trăm, hàng nghìn chia sẻ trên mạng xã hội.
Đã có nhiều bài viết phân tích mối nguy hiểm của tin giả, không chỉ trên không gian mạng mà còn ngoài đời thật. Chúng ta có thể dễ dàng quy trách nhiệm cho các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Twitter, Google trong việc lan tràn tin giả. Tuy nhiên, tìm ra các bên có trách nhiệm là một chuyện, tìm ra những giải pháp lại là điều không đơn giản vì nhiều lý do.
Thứ nhất, kiểm soát các nguồn tin giả không hề dễ. Nếu cho rằng các thuật toán mạng xã hội gia tăng nguy cơ tin giả lan tràn - điều này đã được nhiều bên kiểm chứng, liệu có phải đơn giản chỉ cần phát triển một thuật toán thay thế, giúp phát hiện đâu là tin giả và ngăn chặn tin giả được chia sẻ? Vấn đề không đơn giản khi các trang thông tin thường chia sẻ lẫn lộn cả những tin giả và những tin "thật". Các thuật toán có thể gắn nhãn "tin giả" cho những nguồn tin như vậy không? Hoặc bao nhiêu tin giả được chia sẻ để được coi là một nguồn tin giả?
Thứ hai, định danh một thông tin là "giả" hay sai sự thật không phải một điều đơn giản. Các thuật toán có thể giúp phần nào nhưng vẫn cần sự can thiệp của con người, một đội ngũ những người làm nhiệm vụ rà soát thông tin. Đây là khối lượng công việc khổng lồ không riêng với các trang mạng xã hội, đòi hỏi trách nhiệm lớn cũng như đầu tư lâu dài.
Thứ ba, một điều quan trọng trong việc đối phó với tin giả không phải nằm ở bản thân một tin giả cụ thể - mà nằm ở những đối tượng tạo ra tin giả. Điều này gợi nhắc tôi tới câu chuyện Hà Nội đầu thế kỷ 20 khi các quan chức thuộc địa Pháp muốn tiêu diệt chuột, biến Hà Nội thành phố một "tiểu Paris". Họ trao thưởng cho các thợ săn chuột mang đuôi chuột đến làm bằng chứng. Điều nực cười là nhiều người bắt đầu chỉ cắt đuôi chuột và thả, hoặc thậm chí còn nuôi chuột để lấy tiền thưởng.
Khi những công ty hàng đầu có thể phát triển ra các thuật toán giúp định vị và ngăn chặn tin giả, những kẻ chế biến tin giả hay lập ra các trang tin giả sẽ tìm cách "nuôi chuột" và lách được những hàng rào ngăn chặn.
Những lý do trên mới chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh, minh họa đơn giản với cuộc giằng co của một bên là mạng xã hội, một bên là những kẻ tạo ra tin giả. Trên thực tế, cuộc chiến chống tin giả phức tạp nhiều hơn thế khi còn bị chi phối bởi nhiều bên liên quan và tất nhiên báo chí không nằm ngoài cuộc chiến chống tin giả. Tuy nhiên, chính báo chí nhiều khi lại sa chân vào việc truyền đi tin giả.
Đây không phải một điều gì mới mẻ - ngay cả các hãng tin, các tờ báo lớn như Fox News, CNN, The New York Times cũng đã từng phải đính chính trước công chúng vì những thông tin sai sự thật hoặc dễ gây hiểu lầm.
Fake news - tin giả, là một phần quan trọng trong chương trình học Thạc sĩ truyền thông của tôi. Ở đó tôi được học về một câu nói nổi tiếng trong ngành báo, vốn xuất phát từ biên tập của tờ New York Sun vào thế kỷ 19: "Nếu một con chó cắn một người đàn ông, câu chuyện không thành tin tức. Nhưng nếu người đàn ông cắn lại con chó, nó trở thành thông tin trên báo chí". Ở mức độ nào đó, nhiều người trong ngành báo coi đó như "kim chỉ nam", tập trung vào những khía cạnh mới mẻ, lạ thường trong đời sống hàng ngày.
Đây là lúc tin giả có thể xuất hiện trên báo chí. Khi nhà báo chỉ chia sẻ những điều được coi là thú vị - hoặc được độc giả quan tâm nhiều, họ vô tình có thể thay đổi góc nhìn của người đọc về một sự việc, kể cả những điều được chia sẻ đều là sự thật.
Ngoài ra, báo chí đôi khi tạo ra những sai lệch trong việc tiếp nhận của người đọc bằng cách cố tạo ra sự khách quan trong một tranh luận. Nghe thì có vẻ nực cười khi báo chí có nhiệm vụ cần phải khách quan. Ví dụ, khi đưa thông tin về biến đổi khí hậu, giả dụ có 100 tin tức cho rằng biến đổi khí hậu là có thật, 30 tin tức cho rằng biến đổi khí hậu là không có thật, phóng viên chọn hai câu trích dẫn từ mỗi bên và vô tình khiến người đọc có cảm giác "à, vấn đề này vẫn chưa ngã ngũ" trong khi giới khoa học thực sự đã nghiêng về câu chuyện biến đổi khí hậu là một sự thật.
Đó chỉ là một vài ví dụ trong rất nhiều cách báo chí có thể gián tiếp đẩy tin sai sự thật đến với người đọc.
Lịch sử tin giả đã có hàng trăm năm từ các quốc gia như Anh, Mỹ nhưng ngày càng phát triển hiện đại với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự phân cực ngày càng lớn trong xã hội cũng như các kỹ thuật thao túng tin giả ngày càng tinh vi.
Nhìn vậy để thấy, công việc của một nhà báo chưa bao giờ đơn giản, đặc biệt trong thời buổi niềm tin với báo chí truyền thông ngày càng rạn vỡ như hiện nay. Họ không chỉ biết viết một bài báo theo các tiêu chuẩn nghề nghiệp, họ còn phải giằng co trong một cuộc chiến niềm tin với rất nhiều hoài nghi vì tôi tin rằng, không có nhà báo chân chính nào muốn đưa tin giả tới người đọc.
Khi mạng xã hội trở nên hỗn loạn tin tức, độc giả cần một nguồn thông tin đáng tin cậy để có thể neo niềm tin của bản thân. Tôi tin rằng, báo chí vẫn luôn có vai trò quan trọng trong công cuộc chống tin giả, không chỉ ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Để làm được điều đó, cần rất nhiều sự nỗ lực từ phóng viên, nhà báo và đây chính là điều mà những bạn đọc như tôi trông chờ mỗi ngày.
Con đường chống tin giả sẽ còn rất nhiều gian nan và phóng viên, nhà báo vẫn phải ở tuyến đầu của cuộc chiến này với sứ mệnh của mình.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!