Vụ nguyên Cục trưởng Cục ATTP bị bắt: Ai bảo vệ người tiêu dùng?
Ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, cùng 4 cán bộ Cục An toàn thực phẩm vừa bị khởi tố về tội Nhận hối lộ. Cơ quan điều tra xác định, các bị can này đã móc ngoặc, thông đồng và nhận tiền để bỏ qua các lỗi vi phạm của MediPhar và MediUSA - 2 công ty trong vụ 100 tấn thực phẩm chức năng giả gây rúng động dư luận hồi tháng 4 vừa qua.
Còn nhớ, hồi cuối năm 2019, ông Nguyễn Thanh Phong trên cương vị người đứng đầu Cục An toàn thực phẩm đã có những phát ngôn gây chú ý về thị trường thực phẩm chức năng. Thời điểm đó, vị này khẳng định "sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, hậu kiểm, kịp thời phát hiện những vi phạm để xử lý theo quy định", đồng thời khuyên người dân "hãy là những người tiêu dùng thông thái, không tin dùng các sản phẩm vi phạm, quảng cáo nổ vừa tiền mất, tật mang vì có thể bỏ qua giai đoạn vàng trong điều trị bệnh".
Thế nhưng, chỉ qua 6 năm, vị thế ông Phong hoàn toàn đảo ngược: từ nhà quản lý trở thành bị can; từ một người "tuyên chiến" với vi phạm, sai phạm trở thành người sai phạm, thông đồng với tội phạm sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng giả. Trong khi diễn ra sự "đổi vai" đáng thất vọng và gây phẫn nộ này, thì trong thực tế không chỉ xảy ra việc quảng cáo thổi phồng công dụng mà còn là sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả.

Ông Nguyễn Thanh Phong khi còn đương nhiệm (Ảnh: C.T.).
Ở thời điểm cách đây 6 năm, ông Phong đã nói đến sự tồn tại của tình trạng quảng cáo thổi phồng tác dụng của thực phẩm chức năng; sai phạm ghi nhãn thực phẩm chức năng không đúng với các quy định của pháp luật, sai so với hồ sơ công bố; sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng không đúng với chất lượng như bản đăng ký công bố sản phẩm, sử dụng chất có khuyến cáo không được dùng trong thực phẩm (sibutramin trong sản phẩm giảm cân, sildenafil trong sản phẩm tăng cường sinh lý...) v.v. Vị này còn khẳng định, quảng cáo thổi phồng về tác dụng của thực phẩm chức năng không chỉ làm người tiêu dùng thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh, cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của bệnh nhân.
Như vậy, ông Phong đã nhận ra vấn đề từ lâu, thấy rất rõ những rủi ro, nguy cơ với người tiêu dùng, nhưng thay vì làm đúng chức trách thì ông đã chọn cách quay lưng lại với chính những lời hứa, những cam kết của mình trước công chúng.
Bước đầu tại cơ quan công an, ông Phong khai được cấp dưới đưa tổng 250 triệu đồng sau những lần đi cấp chứng nhận GMP, hậu kiểm... cho 2 nhà máy MediPhar và MediUSA. Quá trình điều tra sẽ còn tiếp tục để làm rõ những góc khuất cũng như xác định cụ thể hơn mức độ vi phạm của các bị can theo quy định pháp luật, nhưng những thông tin ban đầu cho thấy có những vấn đề gây rủi ro cho sức khỏe người dân không chỉ từ những kẻ làm hàng giả, mà chính từ sự liêm chính một số cán bộ trong cơ quan quản lý.
Vụ việc trên làm suy giảm niềm tin của công chúng vào một bộ phận cán bộ trong cơ quan quản lý an toàn thực phẩm. Khi mà giấy phép, giấy chứng nhận… có thể được dùng để mua bán, đổi chác với sự tiếp tay của chính cơ quan quản lý thì ai, điều gì mới có thể bảo vệ người tiêu dùng?
Đồng thời, vụ án này cũng bộc lộ "lỗ hổng" trong các biện pháp kiểm soát nếu chỉ đơn thuần dựa vào cấp phép. Hệ thống giấy phép chằng chịt nếu có thể đưa ra trao đổi thì sẽ mất đi tác dụng là tấm khiên bảo vệ người tiêu dùng, trái lại trở thành rào cản cho doanh nghiệp trong quá trình gia nhập thị trường, tạo nên sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, làm méo mó môi trường kinh doanh.
Ngay cả ở khâu hậu kiểm nếu để xảy ra tình trạng thỏa hiệp, móc ngoặc, thông đồng từ phía một bộ phận cán bộ trong cơ quan chức năng với các sai phạm và tội phạm hàng giả thì đây cũng sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, nhiêu khê và bóp nghẹt sự phát triển của các doanh nghiệp.
Bởi vậy, công cuộc truy quét hàng giả, hàng kém chất lượng còn phải song hành với nỗ lực cải cách thể chế, khắc phục những bất cập, tồn tại trong cơ chế quản lý hiện nay. Vụ bắt giữ ông Nguyễn Thanh Phong cùng các đồng phạm cho thấy sự quyết liệt xử lý sai phạm trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thực phẩm chức năng, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng về việc lập lại trật tự trên thị trường.

Số thực phẩm chức năng bị lực lượng chức năng thu giữ (Ảnh: CAND).
Được biết, Thủ tướng vừa chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt triển khai đợt cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ… Lãnh đạo Chính phủ quán triệt mục tiêu đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền.
Như vậy, khâu "chống" cần quyết liệt, triệt để, không khoan nhượng. Còn ở khâu "phòng", ngoài những quy định hiện tại, có thể cân nhắc áp dụng thông lệ quốc tế dựa trên những tiến bộ về công nghệ thông tin. Cụ thể, số hóa quy trình cấp phép; công khai danh sách sản phẩm (bao gồm cả dữ liệu sản phẩm được cấp phép và danh sách vi phạm).
Các chứng nhận đối với thực phẩm chức năng cần đảm bảo độ uy tín, khách quan và minh bạch. Chẳng hạn ở Nhật Bản, sản phẩm đạt chứng nhận FOSHU (sản phẩm cung cấp lợi ích cho sức khỏe) do Tổng cục Tiêu dùng Nhật Bản (CAA), thuộc Bộ các vấn đề về Tiêu dùng và An toàn thực phẩm cấp, nhưng phải được xét duyệt cả từ phía Ủy ban Người tiêu dùng, Ủy ban An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi, các tổ chức khoa học…
Để tăng hiệu quả giám sát và giảm tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, dựa trên danh mục sản phẩm đã được cấp phép, có thể xây dựng phần mềm với nguồn dữ liệu lớn nhằm quét và phát hiện quảng cáo sai sự thật được công bố trên các nền tảng mạng xã hội, website… Áp dụng các phần mềm, công nghệ cho phép truy xuất nguồn gốc, ghi lại toàn bộ chuỗi cung ứng, xác định trách nhiệm từng khâu. Đồng thời, thực hiện hậu kiểm dựa trên đánh giá rủi ro; có chế tài nghiêm khắc hơn trong công tác xử phạt; phối hợp với các nền tảng mạng xã hội gỡ bỏ quảng cáo sai sự thật…
Tóm lại, nguyên tắc minh bạch sẽ giúp hạn chế nhiều nhất những tiêu cực có thể phát sinh, cả về phía doanh nghiệp lẫn cơ quan chức năng và điều này đang trở nên thuận lợi hơn trong điều kiện công nghệ ngày càng phát triển.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!