Tầm nhìn thay đổi quốc gia
Thời gian gần đây lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều phát biểu về các chiến lược đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới. Từ Thụy Sĩ, tôi nhận thấy các phát biểu này đã lan tỏa cảm hứng phát triển và được bàn luận sôi nổi không chỉ trong nước mà với đông đảo kiều bào.
Mới nhất, các phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đã nêu rõ đây là động lực chủ chốt, là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc.
Trong phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Tổng Bí thư đã bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ số của Việt Nam thời gian qua, đồng thời nêu những nhận xét rất thẳng thắn về những con số có vẻ ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào (ví dụ như Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm, đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử), tuy nhiên "thử hỏi chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa? Chúng ta đóng góp được bao nhiêu % giá trị trong đó? Hay là mình đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài…".
Sau gần 40 năm đổi mới, thế và lực của Việt Nam hiện nay đã đủ và đã sẵn sàng để bước vào thời kỳ phát triển mới, nhưng chặng đường phía trước sẽ có rất nhiều khó khăn, thách thức. Chiến lược phát triển đất nước phải được cụ thể hóa thành chương trình hành động với các mũi đột phá, từ thể chế, hạ tầng cho đến nguồn nhân lực… Và chiến lược phát triển cũng cần cụ thể hóa thành những chương trình, dự án cụ thể, có địa chỉ thực thi với hiệu quả đo đếm được.
Là một công dân luôn quan tâm, chia sẻ từng niềm vui, nỗi buồn của quê hương, tôi muốn góp một gợi ý nhỏ dựa trên quan sát cá nhân vốn là một nhà báo có cơ hội gặp gỡ, trao đổi thường xuyên với nhiều vị lãnh đạo, quản lý của một số quốc gia, trong đó có Dubai, tiểu vương quốc ở Trung Đông đang bứt phá mạnh mẽ với tham vọng khổng lồ.
Tháng 6/2023, tại Geneva, Thụy Sĩ, trong khuôn khổ Đại hội các Phòng thương mại Thế giới (WCC) lần thứ 13, tôi đã có cuộc phỏng vấn dài với Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Phòng thương mại Dubai (Dubai Chambers), ông Mohammad Ali Rashed Lootah.
Dubai Chambers là cơ quan tương tự Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Họ được giao nhiệm vụ mở rộng giao thương, thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển nền kinh tế số của Tiểu vương quốc. Họ đã và đang mở rộng sự hiện diện khắp thế giới, văn phòng tại Việt Nam được mở tháng 7/2023. Tôi đã có dịp trò chuyện với trưởng đại diện của Dubai Chambers ở nhiều nước. Tất cả họ là công dân nước sở tại và làm việc rất năng nổ, hiệu quả cho Dubai.
Đầu tháng 11/2023, Dubai Chambers mời tôi dự Diễn đàn kinh tế Dubai diễn ra trong 3 ngày tại tiểu vương quốc này.
Là phóng viên, tôi và hơn chục nhà báo khác từ khắp các châu lục có cơ hội đối thoại riêng với những người đang nắm vai trò thực thi các chương trình phát triển kinh tế của Dubai. Họ gồm: (i) Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (President & CEO) Dubai Chambers Mohammad Ali Rashed Lootah; (ii) Tổng giám đốc Tổng công ty Xúc tiến Du lịch và Thương mại Dubai (Dubai Corporation for Tourism and Commerce Marketing), ông Issam Kazim; (iii) Tổng giám đốc Tổng Công ty Phát triển Kinh tế Dubai (Dubai Economic Development Corporation, DEDC, trực thuộc Bộ Kinh tế và Du lịch), ông Hadi Badri.
DEDC là đơn vị phụ trách việc thực thi Chiến lược phát triển kinh tế Dubai đến năm 2033 (Dubai Economic Agenda D33).
D33 do Quốc vương Dubai Mohammed bin Rashid Al Maktoum ban hành đầu năm 2023, định hình nền kinh tế Dubai ở năm 2033, thời điểm kỷ niệm 200 năm thành lập Tiểu vương quốc. Theo đó, nền kinh tế Dubai vào năm 2033 sẽ gấp đôi so với năm 2023 và là 1 trong 3 trung tâm kinh tế sôi động nhất toàn cầu, dựa trên 10 lĩnh vực kinh tế và các nền tảng kiến trúc thượng tầng phục vụ nền kinh tế. Trong đó, mỗi lĩnh vực phải đạt được thứ hạng cụ thể trong nhóm dẫn đầu (top) của thế giới, chẳng hạn trung tâm tài chính Dubai nằm trong top 4, vận tải và logistics (chuỗi cung ứng, hậu cần cho sản xuất công nghiệp) top 5, du lịch top 3…
Những gì ông Hadi Badri và các đồng sự trình bày với chúng tôi cho thấy Dubai đã nghiên cứu kỹ lưỡng, so sánh, đánh giá, tính toán nguồn lực của mình và các thành phố "đối thủ" trên thế giới để đưa ra từng mục tiêu mà họ tin là khả thi, kèm theo đó là những chương trình, dự án, hành động cụ thể để đạt được mục tiêu.
Mặc dù Dubai và Việt Nam quá khác biệt nhau để có thể so sánh, từ quy mô dân số và diện tích, đặc điểm địa lý và địa chính trị, thể chế, văn hóa và tập quán, cho đến các nguồn lực tự nhiên, con người và năng lực tài chính. Nhưng xét trên phương diện phát triển kinh tế, tôi nghĩ có 4 ngành mà Dubai đang làm tốt và Việt Nam có thể tham khảo. Trong phạm vi bài viết này tôi chỉ xin nêu một vài ý như sau:
Thứ nhất là du lịch. Dubai phát triển hạ tầng và tổ chức các hoạt động thu hút du khách rất phong phú. Họ cũng nghĩ ra nhiều "chiêu" thu hút du khách trở lại rất sáng tạo và "tinh vi". Ứng dụng "Visit Dubai" do Tổng công ty Xúc tiến Du lịch và Thương mại Dubai phát triển rất dễ sử dụng, hình ảnh bắt mắt và gần như cần tìm thông tin gì về Dubai cũng có.
Tôi nghĩ Tổng cục Du lịch Việt Nam nên tham khảo ứng dụng này để cung cấp thông tin tiện lợi cho du khách, đồng thời là nền tảng để khách lan tỏa những hình ảnh và trải nghiệm đẹp của họ ở Việt Nam.
Thứ hai là tài chính. Việt Nam đang muốn cải tiến hệ thống hạ tầng và luật lệ ngành tài chính để thu hút các ngân hàng, các công ty dịch vụ tài chính, công nghệ tài chính và khách hàng, nhà đầu tư nước ngoài tìm đến. Chúng ta cũng quyết tâm xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế. Nhưng để trở thành trung tâm tài chính quốc tế bài bản như Singapore, Hong Kong, London (Anh) hay Thụy Sĩ, thời gian phải tính bằng nhiều thập kỷ với rất nhiều điều kiện, mà có thể trong thời gian ngắn trước mắt Việt Nam không thể đáp ứng được.
Chính vì vậy, chúng ta có thể tham khảo cách Dubai chỉ trong thời gian ngắn đã trở thành "nam châm" thu hút đầu tư và là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Nếu chúng ta thực lòng muốn học hỏi, tôi nghĩ phía Dubai sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm.
Thứ ba là công nghệ thông tin và kinh tế số. Dubai đang là một trung tâm nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và ứng dụng các sản phẩm công nghệ thông tin, chuyển đổi số với tốc độ đáng nể. Thời gian cho một quy trình từ lên ý tưởng sản phẩm, nghiên cứu, phát triển tiêu bản và thử nghiệm khả thi chỉ trong vòng 2 tuần. Họ đang thu hút nhiều dự án khởi nghiệp công nghệ của thế giới.
Thứ tư là hạ tầng logistics. Dubai có cụm cảng Jebel Ali trong nhiều thập niên qua đã là một khu chế xuất và là điểm trung chuyển hàng hóa quốc tế đến khu vực Bắc Phi và các nước Trung Đông. Họ liên tục đầu tư hạ tầng để kết nối và tối ưu hóa việc vận chuyển giữa đường biển, đường hàng không và đường sắt nội đô. Đây có thể là một mô hình tham khảo cho chủ trương phát triển cảng biển gắn với khu chế xuất, khu phi thuế quan của Việt Nam. Việc tìm hiểu, tham khảo Dubai, nếu có, sẽ cần nhiều thời gian và đi sâu vào chi tiết để chọn ra những cái phù hợp cho Việt Nam. Nhưng điều trước tiên tôi nghĩ chúng ta cần làm là, như Dubai, nên xem những chương trình kinh tế quốc gia như một tập đoàn hay tổng công ty (Corporation), và chịu trách nhiệm điều hành việc thực thi mỗi chương trình là một tổng giám đốc (CEO), thay vì là một lãnh đạo hành chính, kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ và trách nhiệm chung chung như lâu nay.
Quốc vương Dubai Mohammed bin Rashid Al Maktoum là tác giả cuốn hồi ký nổi tiếng "Tầm nhìn thay đổi quốc gia". Tầm nhìn đúng đắn và thực thi vượt trội đã giúp Dubai từ sa mạc khô cằn và nghèo nàn trở thành điểm sáng kinh tế trên thế giới. Việc tham khảo kinh nghiệm thành công của các nước, trong đó có Dubai, sẽ hữu ích với Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình.
Tác giả: Bà Thục Minh từng là phóng viên báo Thanh Niên, hiện là nhà báo sống tại Thụy Sĩ; Chủ tịch sáng lập Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam - Thụy Sĩ (SVBG)
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!