Cán bộ "chơi lớn" với nấm, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm
(Dân trí) - Không học chuyên ngành trồng trọt nhưng anh Hưng vẫn quyết định đầu tư mạnh vào mô hình trồng nấm. Sau bao khó nhọc, anh có nguồn thu nhập đáng mơ ước.
Anh Nguyễn Văn Hưng (31 tuổi), trú tại thôn Bái Trung 1, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, hiện là cán bộ của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hậu Lộc. Bên cạnh công việc tại văn phòng, anh còn đầu tư sản xuất nấm để phát triển kinh tế.
"Với gần 3 sào nấm (500m2 nấm sò và hơn 800m2 nấm mộc nhĩ), mỗi năm tôi bán khoảng 30 tấn nấm. Sau khi trừ chi phí, tôi thu về khoảng 200 triệu đồng tiền lãi/năm", anh Hưng chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Hưng có thu nhập cao từ mô hình trồng nấm hữu cơ (Ảnh: Hạnh Linh).
Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý đất đai tại Phân hiệu Đại học Tài nguyên và Môi trường (cơ sở thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa), năm 2019, khi còn là Bí thư Chi đoàn thôn, anh Hưng cùng hai người bạn bàn bạc tìm hướng làm giàu.
"Thời điểm đó, một trong hai người bạn của tôi trồng nấm và thu được lợi nhuận cao nên rủ tôi cùng làm. Khát khao kiếm tiền trỗi dậy, chúng tôi quyết định thầu lại hơn 5.000m2 đất lúa kém hiệu quả của xã và vay ngân hàng gần 500 triệu đồng để trồng nấm hữu cơ", anh Hưng nói.
Những ngày đầu, do thiếu vốn nên chưa thể đầu tư lò sấy hiện đại, anh Hưng phải thức trắng đêm đốt củi để sấy phôi. Sau một tháng đưa phôi lên giàn, những cây nấm bắt đầu mọc ra, giúp anh thêm tin tưởng vào con đường mình đã chọn.
Từ lợi nhuận thu được sau những vụ nấm đầu tiên, cuối năm 2020, anh Hưng mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, mở rộng diện tích.

Nấm mộc nhĩ có giá 30.000 đồng/kg (Ảnh: Hạnh Linh).
Theo anh Hưng, nguyên liệu trồng nấm chủ yếu là mùn cưa cây cao su hoặc keo, có chi phí thấp. Mùn cưa sau khi được xử lý bằng vôi sẽ cho vào bịch, đem hấp diệt khuẩn rồi cấy giống.
Sau 30 ngày ươm, sợi nấm sò phủ kín bịch phôi, lúc này người trồng sẽ mở nắp và dùng dao rạch nhiều đường xung quanh để nấm phát triển. Khi nấm cao 3-4cm, đường kính mũ đạt khoảng 3cm có thể thu hái. Một phôi nấm có thể cho thu hoạch trong vòng 3 tháng.
"Với 1 sào nấm sò, mỗi ngày tôi có thể thu được khoảng 30kg nấm, giá bán 35.000-40.000 đồng/kg", anh Hưng chia sẻ.
Đối với nấm mộc nhĩ, sau khi cấy giống vào phôi, khoảng 45 ngày nấm sẽ bắt đầu nở tai. Trung bình, một bịch nấm mộc nhĩ có thể cho thu hoạch trong vòng 6 tháng. Với hơn 800m2 diện tích trồng, mỗi năm anh thu được khoảng 1,2 tấn nấm, giá bán khoảng 130.000 đồng/kg.
Theo anh Hưng, trồng nấm đòi hỏi kỹ thuật cao do loại cây trồng này rất nhạy cảm với thời tiết, ánh sáng và dịch bệnh, đặc biệt dễ bị ruồi, muỗi đẻ trứng phá hoại phôi.

Mô hình nấm của gia đình anh Hưng tạo việc làm cho 8 lao động ở địa phương (Ảnh: Hạnh Linh).
"Nấm cần nhiều nước, nhưng nước tưới phải sạch, không lẫn hóa chất. Vì vậy, người trồng phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật để nấm sinh trưởng và phát triển tốt", anh nhấn mạnh.
Nấm sò là thực phẩm giàu dinh dưỡng, có thể chế biến thành nhiều món ăn. Sản phẩm nấm của gia đình anh Hưng hiện được tiêu thụ tại Hà Nội và các chợ truyền thống địa phương.
"Mỗi ngày đều có thương lái gọi điện đặt hàng nhưng tôi không đủ nấm để cung cấp. Dự định sắp tới, tôi sẽ mở rộng mô hình và sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật trồng nấm cho những ai có nhu cầu để cùng nhau phát triển kinh tế", anh Hưng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Huân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc, đánh giá cao mô hình trồng nấm của anh Hưng. Hơn 5.000m2 đất lúa kém hiệu quả được anh Hưng biến thành trang trại trồng nấm cho thu nhập cao. Không chỉ làm giàu cho bản thân, mô hình còn tạo việc làm cho 8 lao động địa phương với mức lương gần 5 triệu đồng/người/tháng.
"Năm 2024, sản phẩm nấm sò và nấm mộc nhĩ của trang trại anh Hưng đã đạt chứng nhận OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm thế mạnh) 3 sao. UBND xã khuyến khích gia đình anh mở rộng sản xuất, phát triển thêm các sản phẩm nông nghiệp khác để tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương", ông Huân nói.