Tác phẩm "Người ăn chay" và câu hỏi "phụ nữ muốn gì?"
"Người ăn chay" của Han Kang - nữ văn sĩ Hàn vừa giành giải Nobel Văn chương 2024 - kể về người phụ nữ bị tâm thần phân liệt có khao khát mạnh mẽ trở thành một cái cây.
Cô ấy đã chống lại xã hội theo chủ nghĩa nam giới trung tâm bằng việc chối bỏ bản chất người.
Han Kang để cho nhân vật của mình phản kháng dữ dội và khốc liệt với nhân loại gia trưởng vốn xem phụ nữ như những kẻ phục tùng. Không đàm phán, không hòa hoãn, không thương lượng.
Cách thức phản kháng của cô không giống với tự hủy hoại, mặc dù về mặt hình thức là bỏ ăn thịt, sau đó là nhịn ăn, nằm trên giường bất động như một người hôn mê.
Bởi trong bản chất, cô chưa bao giờ có ý định chạy trốn cuộc sống. Cô chỉ muốn chuyển sang một dạng sống khác - như một cái cây, chỉ cần tưới nước và quang hợp dưới ánh mặt trời.
Một cái cây sẽ không phải phục tùng ai, chui lên từ mặt đất, sống bằng nước và ánh sáng, thay vì bằng cách áp bức, khuất phục kẻ khác để tồn tại.
Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái (Ecofeminism) là tư tưởng chủ đạo trong cuốn tiểu thuyết của Han Kang. Những người theo đuổi chủ nghĩa này tin rằng có sự liên quan chặt chẽ giữa áp bức phụ nữ và áp bức tự nhiên.
Do đó, bằng việc xây dựng mối quan hệ hài hòa, lành mạnh giữa con người và tự nhiên, nữ giới cũng sẽ đạt được sự hài hòa, lành mạnh trong quan hệ với nam giới.
Có lẽ, vấn đề vĩ mô ấy cơ bản không phải nỗi trăn trở thường ngày của số đông chúng ta, nhất là đàn ông.
Nếu các anh có một trăn trở nào đó mang tính thường trực về phụ nữ, thì phải chăng là câu hỏi: "Phụ nữ muốn gì?".
Tôi từng đọc đâu đó trên mạng một câu chuyện vui. Một người đàn ông đến tìm nhà thông thái với bộ dạng đau khổ vì không thể hiểu được vợ anh ta muốn gì. Nhà thông thái đưa cho anh ta một cuốn sách dày 1.000 trang có tựa đề "Điều phụ nữ muốn". Anh ta vui mừng cầm về đọc.
Nhưng khi mở ra, cả 999 trang đều là giấy trắng. Tới trang cuối cùng, anh mới nhìn thấy vỏn vẹn 15 chữ: "Trên đời này có ai hiểu được phụ nữ muốn gì ư?".
Chồng của Yeong-hye - nữ chính trong "Người ăn chay" - đã từng cho rằng vợ mình đơn giản đến mức chả có gì để mà hiểu.
Trong mắt anh ta, vợ là "người đàn bà bình thường nhất thế gian". Anh lấy cô vì cô không có khuyết điểm gì đặc biệt cũng như chẳng có gì hấp dẫn đặc biệt.
Trong 5 năm kết hôn, cô thực hiện vai trò của "người vợ bình thường" mà không gặp chút khó khăn nào. Đó là dậy vào 6 giờ sáng, nấu cơm cho chồng mang đi làm với đầy đủ cá, canh.
Chồng về muộn, cô không phàn nàn. Chồng ôm điều khiển tivi nằm lăn lóc cả ngày cuối tuần, cô không càm ràm. Cô ở trong phòng làm việc của mình, đến giờ cơm chiều thì lặng lẽ vào bếp.
Cho đến một ngày Yeong-hye quyết định ăn chay, chồng cô mới nhận ra anh chưa từng hiểu gì về vợ.
Yeong-hye, sau 5 năm làm một "người vợ bình thường", đã lần đầu tiên để chồng đi làm mà không chuẩn bị áo quần và không tiễn chồng ra cửa.
Khi bệnh tâm thần của Yeong-hye trở nên nghiêm trọng, cô bắt đầu có sở thích cởi áo ngồi sưởi nắng. Lần đầu tiên thấy cảnh vợ chỉ mặc duy nhất chiếc quần cotton ngồi sưởi nắng trên sofa và gọt khoai tây, chồng Yeong-hye không hiểu được vì sao cô làm vậy.
Nhưng có một người đàn ông khác hiểu được Yeong-hye muốn gì khi cởi áo sưởi nắng. Đó là anh rể cô.
Trong mối quan hệ đi quá giới hạn đạo đức ấy, anh rể Yeong-hye - một nghệ sĩ thị giác - đã nhận ra cái khao khát muốn được quang hợp như một cái cây của Yeong-hye.
Anh rể Yeong-hye là người duy nhất nhìn ngắm khoảnh khắc cô vươn ngực trần ra ngoài ban công để đón lấy những ánh nắng của buổi chiều mùa thu như một tuyệt tác nghệ thuật, "như những bông hoa đang vươn lên phấp phới", lấp lánh và mãnh liệt hơn tất thảy những thước phim mà anh từng quay trong đời.
Anh cũng là người duy nhất ngay lần đầu gặp gỡ đã nhìn thấy một sức mạnh khác thường ở trong Yeong-hye, thứ mà anh mô tả là "như một cái cây hoang dã không có cành".
Chỉ có điều, ở vai trò một người chồng, anh rể Yeong-hye như mọi người chồng bình thường khác, hoàn toàn không hiểu vợ mình muốn gì.
Chồng Yeong-hye hay anh rể Yeong-hye đều mẫn cảm với những điều tốt đẹp ở phụ nữ, ngoại trừ vợ mình.
Họ, trong bản năng được vun đắp bởi quy chuẩn xã hội nam quyền, đã quen với việc được vợ phục tùng như một lẽ hiển nhiên, và do đó, thờ ơ với câu hỏi "phụ nữ muốn gì".
Đơn giản là, kẻ phục tùng (phụ nữ) mới cần biết người mình phục tùng (đàn ông) muốn gì. Chứ không phải ngược lại.
Xã hội Hàn Quốc chịu ảnh hưởng Nho giáo mạnh mẽ và không đứt đoạn trong suốt 7 thế kỷ. Ở nơi nam giới là trung tâm ấy, mong muốn của phụ nữ là điều không được bận tâm đến. Người vợ ra sức đáp ứng các nhu cầu của chồng mình như một nghĩa vụ. Và dù có nỗ lực đến đâu, họ cũng khó làm cho chồng hài lòng.
Kiểu như, trong mắt chồng, Yeong-hye - ngày còn chưa ăn chay - là người phụ nữ bình thường đến mức ở bên cô "chả có ngày nào thú vị".
Còn chị gái Yeong-hye trong mắt chồng hoàn hảo đến mức chỉ có toàn điểm tốt, "tốt đến phát ngán".
Dù lý do gì thì trong mắt đàn ông, người phụ nữ lâu năm của họ cũng là cơm nguội cả.
Trong xã hội phương Tây, nơi câu hỏi đầy tính triết học "phụ nữ muốn gì?" được đặt ra, người phụ nữ thực tế vẫn không hoàn toàn thoát khỏi ý niệm về sự phục tùng đối với nam giới.
Thành ra, đôi khi tôi nghĩ đến một "thuyết âm mưu". Rằng đàn ông đi tìm lời giải cho câu hỏi "phụ nữ muốn gì" với mục đích gì? Liệu có đáp án trong tay, họ sẽ cố gắng làm cho phụ nữ hạnh phúc hơn? Hay tất cả những gì họ cần là để sử dụng công cụ phục tùng này một cách hiệu quả hơn?
Tất nhiên, thế giới hơn 8 tỷ người, giả thiết một nửa số đó là đàn ông, nhất định sẽ chỉ có một bộ phận đàn ông xem phụ nữ là người phục tùng, một bộ phận thì không như vậy, một bộ phận còn đấu tranh cho nam nữ bình quyền.
Cũng như bạn tôi hay nói, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi vợ. Luôn có rất nhiều phụ nữ không chấp nhận sống như người phục tùng trong gia đình của mình.
Luôn có rất nhiều Yeong-hye, tự đứng lên chống lại các quy chuẩn xã hội về người phục tùng một cách quyết đoán và bạo liệt.
Han Kang được xem là tiếng nói nữ quyền trong văn chương Hàn Quốc đương đại. Bà kết hôn với một nhà phê bình văn học. Trong cuốn sách Đi học của nhà văn Phan Triều Hải xuất bản năm 1999, ông có nhắc đến văn sĩ Han Kang, khi đó là bạn cùng lớp viết văn ở Iowa, Mỹ.
Theo lời Phan Triều Hải, Han Kang thường rất tự hào về chồng: "Anh ấy luôn khen truyện của tôi", "Anh ấy chỉ thích đọc truyện của tôi".
Khi mọi người đùa rằng như thế chẳng khách quan chút nào, Han Kang nói: "Đã là vợ chồng thì phải hiểu nhau. Vợ viết mà chồng không thích thì còn gì mà nói nữa. Đó không phải là văn chương, đó là sự hiểu nhau".
Có lẽ ngoài Nobel văn chương, một trong những điều tuyệt vời nhất mà Han Kang có là một người chồng hiểu mình, luôn khen mình. Đó cũng là ước muốn của rất nhiều phụ nữ.
Nếu ngày càng có nhiều đàn ông hiểu và biết khen người phụ nữ của mình, giải thưởng Nobel có thể sẽ có thêm các tác giả nữ và thế giới sẽ có thêm nhiều ngày bình yên.
Tác giả: Hoàng Hồng tốt nghiệp Khoa báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chị gắn bó với nghề báo hơn 15 năm, chuyên thực hiện các đề tài xã hội, văn hóa, giáo dục.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!