Tâm điểm
Phạm Tâm Long

Sống với lũ, không bị bất ngờ

Từ giữa tháng 4 đến tháng 9, tháng 10, miền Bắc nước ta phải gánh chịu nhiều trận mưa lớn, mưa cực đoan trên diện rộng. Đây là quy luật hàng năm, khiến những vùng tâm mưa như Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Giang chìm trong ngập lụt như chúng ta chứng kiến nửa đầu tháng 6 vừa qua.

Các thành phố miền núi phía Bắc có địa hình rừng núi thung lũng, lòng chảo, nên mưa dông lớn tạo ra lũ quét là điều có thể lường trước.

Câu hỏi đặt ra: Cần làm gì để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng từ mưa cực đoan và lũ?

Hồi tháng 5, tôi có tham gia cuộc tọa đàm giữa các chuyên gia môi trường của hai trung tâm nghiên cứu môi trường lớn trên thế giới là Viện nghiên cứu chiến lược môi trường toàn cầu - Nhật Bản (Institute for Global Environmental Strategies) và Viện nghiên cứu quốc tế về phát triển bền vững  - Canada (International Institute for Sustainable Development - IISD).

Trong cuộc họp, tiến sĩ Matthew McCandless - phó chủ tịch IISD, nhận định về tình trạng ngập lụt nhiều nơi ở các thành phố lớn trên thế giới: "Ngoài các nguyên nhân về thời tiết và biến đổi khí hậu, có hai nguyên nhân chính liên quan đến con người là tình trạng phá, làm thất thoát đất rừng; và lựa chọn nơi ở không hợp lý, tức những nơi có khả năng hứng chịu thiên tai cao".

Sống với lũ, không bị bất ngờ - 1

Một góc TP Hà Giang bị chìm trong "biển nước", ngày 10/6 (Ảnh: Trần Thanh)

Trong hai nguyên nhân kể trên, ngoài thực trạng mất đất rừng phòng hộ do phá rừng tràn lan, nguyên nhân thứ hai được đánh giá có phần không phù hợp với Việt Nam, đặc biệt là vùng trung du và miền núi phía Bắc, nơi có địa hình đa dạng, mang tính chia cắt mạnh khiến việc xảy ra lũ lụt khi mưa lớn là không thể tránh khỏi.

Tại Nhật Bản, nơi tôi đang sinh sống, việc đê điều và trị thủy đã được chú trọng từ thời Minh Trị, bắt đầu từ giữa thế kỷ 19. Việc sớm có những công trình đập lớn và hệ thống đê kéo dài đã làm giảm thiệt hại do bão lũ. Người dân Nhật vì thế cũng có thể phát triển thành phố trên những bãi bồi - nơi không thể sinh sống trước đây do ảnh hưởng của những cơn lũ lớn hàng năm.

Tuy nhiên, đây không còn là yếu tố mang tính quyết định trong việc trị thủy ở thế kỷ 21. Sự xuất hiện của những đợt mưa lớn cục bộ bất thường đã tạo ra những cơn siêu lũ không thể dự báo trước. Biến đổi khí hậu nhanh chóng khiến tình trạng mưa cực đoan và bão lũ xảy ra thường xuyên hơn. Trong khi đó, người dân đã lâu không phải hứng chịu thiên tai, tâm lý chủ quan, nên thiệt hại càng tăng.

Tiến sĩ Rie Seto - nghiên cứu viên trực thuộc Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, chia sẻ trong báo cáo mới: "Biến đổi khí hậu quá nhanh khiến các công trình đập và đê điều không còn khả năng chống lũ. Việc xây dựng những công trình đập và đê mới là quá tốn kém cả về tiền bạc lẫn thời gian, trong đa số trường hợp. Đây không còn là phương án khả thi".

Với Việt Nam, tôi cho rằng đã đến lúc tư duy "phòng, chống thiên tai" cũng cần có những thay đổi để theo kịp sự thay đổi quá nhanh của khí hậu toàn cầu. Chúng ta nên tập thích nghi với thiên tai, học cách "sống với lũ".

Các công trình đập và hệ thống đê điều của chúng ta vẫn có vai trò đặc biệt trong phòng, chống thiên tai, mưa lũ. Nhưng vấn đề đặt ra là tình trạng cực đoan của khí hậu khiến việc dự báo chính xác thiên tai, mưa lũ trở nên khó khăn hơn, không loại trừ trường hợp đây là nhiệm vụ bất khả thi.

Trên lý thuyết, để cơ chế phòng, chống thiên tai hoạt động tối ưu, cần dự báo chính xác thời gian, địa điểm và lượng mưa để kiểm soát và có kế hoạch xả lũ trước đó. Song khi việc dự báo chính xác trở nên khó khăn thì sẽ kéo theo hai hệ quả, đều tạo vấn đề. Một, nếu dự báo lượng mưa nhiều hơn thực tế, xả lũ trước sẽ tác động đáng kể đến việc sử dụng nước và sản xuất thủy điện.

Ngược lại, dự báo lượng mưa ít hơn thực tế sẽ dẫn đến tình trạng phải xả lũ gấp. Đơn cử như trong đợt mưa lớn ở Hà Giang đầu tháng 6, một số nhà máy thủy điện trên sông Miện và sông Lô đã phải xả lũ. Tuy nhiên, báo chí ghi nhận nhiều người dân ở hạ du phản ánh nhận được thông báo xả lũ muộn.

Tại Hòa Bình giữa tháng 6 vừa qua, nhà máy thủy điện Suối Mu, xã Tự Do (huyện Lạc Sơn) xả nước bất ngờ khiến du khách bị cuốn trôi. Nhà máy thông báo xả nước qua loa phát thanh, nhưng cách khu chịu ảnh hưởng tới 2km, và người dân không nghe thấy.

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp liên quan đến thủy điện trong những năm qua. Rõ ràng chúng ta cần xem lại quy trình phản ứng trong các trường hợp khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong mùa mưa lũ. Bên cạnh tư duy "phòng chống", chúng ta phải hình thành tư duy "sống" và "phản ứng" với thiên tai.

Tôi đã sống ở Nhật Bản 6 năm, nơi nổi tiếng với những trận động đất, sóng thần lớn nhất trên thế giới. Lần đầu tiên trải nghiệm động đất là khi tôi đang di chuyển bằng tàu điện ngầm. Một chút rung lắc, đoàn tàu giảm tốc độ, và chỉ sau vài giây đồng loạt điện thoại của tất cả mọi người, bao gồm cả tôi đều vang lên tiếng chuông báo cảnh báo. Tôi ngạc nhiên khi thấy mọi người bình tĩnh lấy điện thoại ra, tắt chuông và cất đi - bình thản như chưa có gì xảy ra.

Tất cả điện thoại được phân phối tại Nhật Bản từ 3 nhà mạng lớn nhất, đều được mặc định cài chế độ cảnh báo thiên tai. Mỗi khi động đất xảy ra, thông tin từ Cơ quan khí tượng sẽ được gửi tới trung tâm cảnh báo sớm, và được tự động truyền tải tới tất cả các thiết bị di động cùng các kênh truyền thông như truyền hình và đài radio. Với những thiết bị không thuộc diện phân phối tại Nhật, chỉ cần tải ứng dụng trên cửa hàng trực tuyến, cảnh báo sớm sẽ tới tận tay người dùng.

Với những hệ thống cảnh báo sớm như vậy, sự điềm tĩnh của người dân Nhật Bản trong trường hợp khẩn cấp trở nên khá dễ hiểu. Họ có đủ thời gian để tiếp nhận thông tin về thiên tai và phản ứng kịp thời.

Với nền tảng viễn thông và kết nối Internet tại Việt Nam hiện tại, chúng ta có thể làm được điều tương tự. Trên thực tế, hệ thống nhắn tin cảnh báo lũ đã được triển khai từ hơn 10 năm trước, nhưng chỉ hoạt động hiệu quả khi lũ đã diễn ra. Vai trò thông báo lịch xả lũ của các nhà máy thủy điện vẫn chưa được quan tâm đúng mức, kéo theo những hậu quả đáng tiếc.

Ba nhà mạng lớn tại nước ta đã phủ sóng phần lớn ngóc ngách của Tổ quốc. Nếu có sự phối hợp sớm và chính xác giữa bộ ban ngành liên quan, nhà máy thủy điện, cùng các đơn vị truyền thông tin qua sóng viễn thông, tôi tin chúng ta có thể làm tốt hơn việc cảnh báo sớm.

Năm ngoái, tôi có cơ hội tham gia một chuyến khảo sát hiện trường tới đập Hiyoshi tại Kyoto khi đang là nghiên cứu viên trẻ (Early - Career Researcher) của Mạng lưới nghiên cứu học thuật Nhật Bản - Anh Quốc RENKEI. Tôi bất ngờ khi có nhiều gia đình đưa con trẻ đến tham quan đập. Tại đây, mỗi người tham quan sẽ được tặng một chiếc thẻ nhỏ, gọi là "Dam-card". Trên thẻ có hình ảnh của đập, cùng các thông tin về lịch sử, vai trò, chức năng... Điều đặc biệt của chiếc thẻ này là chỉ có thể nhận được khi trực tiếp tới tham quan đập. Việc này tạo nên tính chất "hiếm" của những chiếc thẻ này. Cho tới nay, có hơn 800 công trình đập và đê điều toàn Nhật Bản phát hành "Dam-card" cho người tham quan.

Việc biến nơi tưởng chừng nhàm chán trở thành địa điểm tham quan, khơi gợi sự tò mò không chỉ tăng thêm thu nhập địa phương từ dịch vụ du lịch, mà còn góp phần lớn nâng cao nhận thức cho người dân cũng như mang tính giáo dục sớm cho trẻ em về tầm quan trọng của việc trị thủy cũng như những ảnh hưởng và sự nguy hiểm của thiên tai.

"Sống chung" không phải là cam chịu, mà là chấp nhận sự hiện diện của thiên tai, có những biện pháp cảnh báo và phản ứng kịp thời để giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an toàn của người dân, biến những công trình mang tính "phòng chống" thành những địa điểm giáo dục và nâng cao nhận thức cho mọi người.

Tác giả: Anh Phạm Tâm Long là tiến sĩ về Phát triển bền vững trong Quản trị Kinh doanh tại ĐH Osaka, Nhật Bản; hiện công tác tại Trường Cao học Kinh tế, Đại học Osaka với vai trò nghiên cứu viên, đồng thời là giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Giáo dục Osaka và Đại học Osaka Gakuin.

Lĩnh vực nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Tâm Long là các vấn đề về Quản trị bền vững trong doanh nghiệp và Quản lý các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!