Sinh nhật buồn của HLV Troussier
Giá như đội tuyển Việt Nam có thể tận dụng tốt hơn cơ hội ở hiệp 1. Giá như hàng thủ chơi tốt hơn và Minh Trọng đừng sai sót trong tình huống để xảy ra bàn thua duy nhất. Cũng có người "giá như" Tiến Linh được tung vào ngay từ đội hình xuất phát… thì có lẽ mọi thứ đã khác.
Thêm một lần, người hâm mộ tiếc nuối khi đội tuyển Việt Nam để thua sát nút trong trận cầu đầy khó khăn trên đất khách. Và huấn luyện viên (HLV) Troussier một lần nữa cho thấy ông là người không hề dễ… đoán. Trong khi nhiều người chờ đợi Tiến Linh và Quang Hải - những trụ cột dưới thời "thầy Park" sẽ ra quân trong đội hình xuất phát trong trận đấu vô cùng quan trọng này, nhưng… không phải như vậy.
Ở tuyến giữa, sự trở lại của Hùng Dũng và Hoàng Đức, hội cùng Thái Sơn, phần nào giúp hàng tiền vệ chơi tốt hơn, cả về khả năng thu hồi bóng lẫn kiến thiết. Còn ở vị trí trung phong, sự hiện diện của tài năng trẻ Đình Bắc như một sự… bù đắp cho việc anh không góp mặt ở trận thua 0-1 tại Asian Cup; trong khi Nhâm Mạnh Dũng có trận ra mắt đội tuyển "A" nằm ngoài "đội hình dự kiến" của các chuyên gia hay giới truyền thông.
Một bất ngờ nhỏ nữa chính là cách tiếp cận trận đấu của đội tuyển Việt Nam. Dù phải đá ở "chảo lửa" hừng hực như Gelora Bung Karno, chính các tuyển thủ Việt Nam mới là những người dâng cao đội hình gây sức ép bên phần sân đối phương. Rõ ràng, HLV Troussier đã hiểu về đối thủ hơn, gần giống như hiệp 2 trận đấu tại Asian Cup - khi đội tuyển chơi tốt hơn hẳn bằng lối đá tấn công, chủ động phá lối chơi của đối thủ bằng cách hạn chế khả năng phối hợp và triển khai lối chơi của đội bóng xứ "vạn đảo".
Những sự điều chỉnh ấy đã khiến các tuyển thủ Indonesia dường như cũng bị bất ngờ theo. Họ đã tràn đầy tự tin có thể áp đặt lối chơi như từng làm trong lần chạm trán gần nhất ở Asian Cup, với một đội hình thiên hướng tấn công. Nhưng cách chơi của đội tuyển Việt Nam rõ ràng đã khiến họ rơi vào lúng túng, đặc biệt ở hàng tiền vệ.
Trong bối cảnh ấy, các tiền đạo hay tiền vệ tấn công của họ đã thường xuyên phải lùi sâu để hỗ trợ cho tuyến 2, hoặc tìm kiếm thêm cơ hội có bóng. Đẩy đội hình Indonesia lùi sâu về sân nhà cũng đồng nghĩa với việc các tình huống công của đội tuyển Việt Nam được thực hiện thoải mái, đa dạng hơn hẳn. Từ những pha phất bóng dài từ hàng phòng ngự lên cho tiền đạo chạy chỗ, hay các pha ban bật nhanh, đột kích thẳng vào trung lộ khiến cho các hậu vệ của đối thủ rơi vào lúng túng. Hơi tiếc, khi cơ hội tốt nhất trong hiệp này đã đến với Nhâm Mạnh Dũng trong khu cấm địa, trong một tình huống lộn xộn, nhưng chân sút trẻ của chúng ta không thể tận dụng được.
Tình thế khó khăn ở hiệp 1 buộc HLV Shin Tae-yong của Indonesia phải tung hết các "con bài tẩy" như Maulana, Arhan hay Wash vào ngay từ đầu hiệp 2. Bên cạnh đó, họ cũng chủ động đẩy cao đội hình tấn công trong sự cổ vũ của 8 vạn khán giả nhà.
Thật tiếc khi cú phá bóng thiếu kinh nghiệm của Minh Trọng - hậu vệ trẻ được "thầy Trou" tin tưởng suốt thời gian qua, đã tạo cơ hội để Maulana mở tỷ số khá dễ dàng. Khó khăn càng lớn hơn khi đội chủ nhà tìm lại sự tự tin, quyết tâm cũng như thanh thoát hơn trong các tình huống tấn công dồn dập sau đó. Ở chiều ngược lại, bàn thua bất ngờ cũng làm ảnh hưởng không ít tới khí thế của các tuyển thủ Việt Nam…
Cặp tiền đạo Đình Bắc, Mạnh Dũng cùng bị rút ra ở phút 60, thay vào đó là Tiến Linh, Văn Thanh, và HLV Troussier đã gây bất ngờ khi xếp Văn Thanh - người thường xuyên đá cánh dưới thời HLV Park Hang-seo, ở vị trí… hộ công (ngay phía sau Tiến Linh).
Phải chăng, "phù thủy trắng" muốn tận dụng khả năng dâng cao và sút xa bất ngờ của Văn Thanh như một thứ "vũ khí" bất ngờ? Hai sự thay thế sau đó ở giữa hiệp 2 (Tấn Tài và Thành Long thay thế Hùng Dũng và Minh Trọng) dễ lý giải hơn, vừa giúp tăng cường khả năng thu hồi bóng ở tuyến 2, vừa củng cố khả năng cả phòng thủ lẫn tấn công 2 biên (trước đó, hàng phòng ngự đã phải chịu nhiều thử thách, nhất là khu vực cánh trái - nơi cặp hậu vệ trẻ Minh Trọng và Tuấn Tài liên tục bị khai thác).
Trong bối cảnh đội tuyển Việt Nam tấn công nhiều hơn (cùng lúc, Indonesia chơi với đội hình thấp hơn để phòng ngự - phản công) ở nửa sau hiệp 2, "lá bài" cuối cùng là Văn Toàn - người có khả năng bứt tốc tốt bậc nhất đội được tung vào sân (thay Tiến Dũng), kèm theo đó là sự thay đổi thành sơ đồ chiến thuật 4-4-2.
Màn đấu trí, đấu lực toàn diện giữa 2 HLV cũng như các tuyển thủ đôi bên đã diễn ra thật sự gay cấn và rất quyết liệt. Và nếu không có tài năng của thủ thành Filip Nguyễn thì có lẽ đội bạn đã có thêm bàn thắng trong một tình huống tấn công bất ngờ ở trung lộ. Indonesia thêm một lần cho thấy sự "lột xác" với dàn cầu thủ chất lượng hơn hẳn so với khi từng thua tan tác 1-3 và 0-4 trước đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022.
Nhìn chung, có thể nói, đội tuyển Việt Nam đã có trận đấu tốt hơn so với khi gặp Indonesia tại Asian Cup 2023, đặc biệt là trong hiệp 1. Nhưng những trận cầu kiểu "kẻ tám lạng, người nửa cân" thế này luôn rất nghiệt ngã, bởi sự thành - bại, thắng - thua có thể chỉ được quyết định bởi một khoảnh khắc nào đó mà thôi.
Trận thua thứ 2 liên tiếp của đội tuyển Việt Nam trong những lần đối đầu Indonesia (lần trước cũng với tỷ số này tại Asian Cup 2023) khiến thầy trò HLV Troussier rơi vào tình thế bất lợi trong cuộc đua giành tấm vé thứ 2 để tiến tới vòng loại thứ 3 (Indonesia tạm vượt lên với 1 điểm nhiều hơn).
Nhưng cũng bởi cách biệt rất sát sao trên bảng xếp hạng tạm thời, nên cơ hội vẫn còn đó nếu như tuyển Việt Nam giành thắng lợi trong trận lượt về vào ngày 26/3 tới tại sân Mỹ Đình.
Cuối cùng, người hâm mộ vừa chứng kiến HLV Troussier có một ngày sinh nhật buồn, trong bóng đá dù có nói gì đi nữa thì thua… là thua. Huấn luyện viên trưởng phải chịu trách nhiệm. Sự kiên nhẫn của người hâm mộ là có giới hạn, nhất là khi họ thấy rằng Indonesia chơi không phải thực sự xuất sắc hay vượt trội nhưng vẫn thắng. Hy vọng từ trận thua này, đội tuyển Việt Nam có thêm những bài học giá trị (trong đánh giá đối thủ, khắc phục những điểm yếu còn tồn tại), để chơi tốt hơn và giành chiến thắng trong cuộc quyết đấu mang ý nghĩa sống còn tuần tới.
Tác giả: Nhà báo Hữu Bình hiện công tác tại Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!